(QNP) - Chiều ngày 3/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì buổi họp báo để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong Quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II năm 2025.
Thông tin tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, nền kinh tế tỉnh Quảng Nam đã đạt được sự tăng trưởng ổn định trong Quý I, với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu kinh tế trong quý đầu năm tiếp tục có sự phân bổ hợp lý, với các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,2%; dịch vụ chiếm 40,4%; và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 16,1%.
Cùng với đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành xây dựng gặp một số khó khăn, đặc biệt là vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thiếu hụt vật liệu xây dựng, làm ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình.
Trong khi đó, khu vực dịch vụ cũng đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, với giá trị tăng thêm (VA) tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024. Các ngành bán lẻ, du lịch và vận tải kho bãi đều có sự phát triển tích cực. Du lịch, đã thu hút 2,240 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2024.
Trong quý I, Quảng Nam ghi nhận sự gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới (307 doanh nghiệp) và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (192 doanh nghiệp). Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể, hoặc giải thể tăng 16,01%. Trong quý đầu năm, tỉnh đã cấp mới 10 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong Quý II năm 2025, UBND tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, đặc biệt là đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 là 10%.
Các giải pháp tập trung vào việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, quản lý thu chi ngân sách, và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Các hoạt động xã hội cũng sẽ được tăng cường, với sự quan tâm đặc biệt đến công tác an sinh xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Quá trình này yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng để đạt được các mục tiêu đề ra.
Tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cùng lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời, giải đáp các vấn đề phóng viên, nhà báo quan tâm. Xoay quanh vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chủ trương sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam về "một nhà" là hoàn toàn đúng đắn.
Trung ương đã thông báo chủ trương về nhập hai đơn vị, vị trí trung tâm hành chính, tên gọi. Tuy nhiên, việc này giữa 2 địa phương chưa bàn bạc cụ thể.
Bộ Chính trị giao cho Quảng Nam và Đà Nẵng thành lập ban chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp. Sau khi xây dựng dự thảo đề án, Ban Thường vụ hai địa phương sẽ ngồi lại thảo luận thảo, khi thống nhất mới triển khai cụ thể hoá việc sáp nhập.
"Tất cả các việc này sẽ được hai Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và TP Đà Nẵng bàn luận. Nếu vấn đề gì xin ý kiến trung ương phải xin, vấn đề gì quyết định được thì tập thể 2 địa phương thống nhất, quyết định trong thời gian đến.
Trước đây chia ra là đúng, giờ nhập lại là rất đúng. Bởi vì hiện nay không gian phát triển của TP Đà Nẵng đang rất chật chội, ngược lại Quảng Nam thì hết sức rộng mở. Hai địa phương nhập lại để có không gian phát triển mạnh hơn là điều vô cùng đúng đắn" – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.