Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Quảng Nam phấn đấu hoàn thành dự án về cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trước tháng 6/2024

TH 02/02/2023 00:00

Chiều ngày 02/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị, địa phương liên quan đến dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 1 và triển khai thực hiện dự án giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2025.

Phấn đấu đến tháng 6/2024, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng CSDL đất đai.

Dự án có mục tiêu tổng quát là hoàn thành công tác đo đạc với diện tích 220.256,97 ha/241 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (trong đó 18 xã vừa thực hiện việc chỉnh lý bản đồ và số hóa chuyển hệ tọa độ và 223 xã thực hiện thành lập mới bản đồ địa chính và đo bổ sung bản đồ địa chính hiện có); Cấp mới và cấp đổi GCNQSD đất cho 241 xã, phường, thị trấn với 933.109 hồ sơ (cấp mới: 68.180 hồ sơ, cấp đổi: 864.929 hồ sơ).

Bắt đầu từ 2011, Quảng Nam mới triển khai dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 1 tại các xã thuộc các huyện, thành phố: Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tam Kỳ thuộc vùng Đông của tỉnh (các địa bàn khác chưa triển khai thực hiện) và kết thúc giai đoạn 1 đến ngày 31/12/2020. 

Về quản lý hồ sơ địa chính, tính đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập bản đồ địa chính, qua từng thời kỳ được lập theo các quy định. Trên địa bàn Quảng Nam có 5 địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu gồm thành phố Tam Kỳ, các huyện: Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên và Núi Thành. Trên hệ thống cơ sở dữ liệu đã có 48/241 xã tạo sổ địa chính trên phần mềm cơ sở dữ liệu, gồm thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành, 2 xã thuộc huyện Duy Xuyên, 9 xã thuộc huyện Thăng Bình và 1 thị trấn thuộc huyện Quế Sơn. Tổng số thửa đất trên địa bàn 5 huyện là 639.649 thửa. Theo đánh giá, hiện nay tiến độ thực hiện dự án mới đạt 48/241 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, chậm so với tiến độ đề ra.

Tại cuộc họp, các địa phương đánh giá cao tính ưu việt của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; tạo thuận lợi trong công tác quản lý cũng như giúp người dân tiết kiệm chi phí, rút gọn thời gian; đặc biệt những số liệu về đất đai được tích hợp sẽ là căn cứ để bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các địa phương đã gặp không ít vướng mắc. Trong đó, khó khăn được nhiều địa phương chỉ ra là việc lựa chọn đơn vị tư vấn; hay việc còn lúng túng trong xác minh nội dung, thực hiện các quy trình, thủ tục…

Đại diện huyện Quế Sơn cho biết, huyện đã triển khai dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 1 đối với thị trấn Hương An.  Đến nay đã thực hiện cấp đổi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân với khoảng 1.700 hồ sơ. Trong quá trình thực hiện, huyện gặp khó khăn do nguồn nhân lực ít. Đối với giai đoạn 2, huyện Quế Sơn triển khai tại 04 xã và gặp những khó khăn, lúng túng trong lựa chọn đơn vị tư vấn; xác minh nội dung cần thực hiện…

Đối với thành phố Hội An, dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Hội An cũng đã kiến nghị tỉnh quan tâm hướng dẫn các địa phương trong việc lựa chọn những đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện hiệu quả, đúng quy đình, quy định.

Ông Trần Thanh Hà- Giám đốc Sở TN&MT đề nghị các địa phương thực hiện xây dựng bộ cơ sở dữ liệu theo hình thức cuốn chiếu, đơn vị nào hoàn thành trước thì tích hợp lên. Các địa phương có thể lựa chọn thí điểm một đến hai xã thực hiện trước, từ đó rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai đồng bộ cho các đơn vị còn lại.  

Ông Trần Thanh Hà cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện còn lại khẩn trương khái toán khối lượng, kinh phí thực hiện cho toàn huyện, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ Thiết kế kỹ thuật - dự toán.  Trong đó, xác định rõ khối lượng cần triển khai thực hiện của dự án án theo toàn huyện hoặc theo từng khu vực, đồng thời có lộ trình phân kỳ đầu tư cho từng năm (giai đoạn 2023 - 2025), xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án (sử dụng nguồn kinh phí bố trí 10 % từ nguồn thu tiền sử dụng đất của địa phương để lại cho cấp huyện, đối với các địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất thấp thì kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ có mục tiêu) để trình Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định để có cơ sở phê duyệt. 

Đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh tiếp tục Bố trí kinh phí duy trì, vận hành, bảo trì, bảo mật an toàn thông tin ngành Tài nguyên và Môi trường, đề nghị UBND các huyện, thành phố (Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn) chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và UBND cấp xã nơi đã hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai ở giai đoạn 1 có trách nhiệm vận hành, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Nam. 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhận định rằng, các địa phương khi triển khai xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quản lý đất đai không cầu toàn, triển khai từng bước, lấy kết quả giai đoạn trước làm kinh nghiệm cho giai đoạn sau. Đối với những khó khăn về đơn vị tư vấn, các địa phương cần chủ động xem xét, lựa chọn các đơn vị tư vấn theo nhiều khía cạnh; nên phân kỳ, một năm triển khai từ 1-2 xã, để có sự chủ động về nguồn vốn đầu tư, thuận lợi trong lựa chọn đơn vị tư vấn. Phấn đấu toàn tỉnh hoàn thành việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai trước tháng 6/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam phấn đấu hoàn thành dự án về cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trước tháng 6/2024
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO