Chiều 23/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở ngành, địa phương để rà soát, đánh giá lại tất cả các phương án phòng chống bão số 6 TRAMI (Trà Mi) và phòng chống thiên tai trong cả mùa mưa bão năm nay. Dự họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy hồi 13 giờ ngày 23/10, cơn bão TRAMI (tiếng việt là Trà Mi), có vị trí tâm ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 123,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Dự báo đường đi của bão mạnh, diễn biến khá phức tạp, khó dự đoán, có thể đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam.
Thời gian hình thành và phát triển, đổ bộ và cường độ của cơn bão này dự báo giống như cơn bão số 9 Molave năm 2020, cơn bão đã từng gây thiệt hại lớn về người và của trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, dự báo bão có thể đổ bộ vào Quảng Nam. Do đó, việc lập kịch bản ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét theo cấp độ rủi ro là rất cần thiết. Phải xác định các khu vực trọng điểm để bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ và triển khai phương án sơ tán 200 nghìn người dân đến nơi an toàn.
Đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng đã cập nhật thông tin về tình hình tàu thuyền trên biển. Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó, 6 tàu đã vào bờ an toàn, 50 tàu nhận được thông tin và đã tìm nơi tránh trú an toàn tại quần đảo Trường Sa, còn 4 tàu ở khu vực nguy hiểm quần đảo Hoàng Sa đã nhận được thông tin và dự kiến cập bờ vào chiều 24/10.
Theo phương án ứng phó thiên tai đã được tỉnh ban hành, có khoảng 200 nghìn người dân sẽ phải di dời nếu bão đổ bộ vào Quảng Nam. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, đây là con số khổng lồ, do đó các địa phương phải hết sức chú ý khi triển khai thực tế.
Ông Bửu nhấn mạnh, theo nhận định của cơ quan chuyên môn thì bão Trà Mi hiện đang di chuyển rất phức tạp. Trong vòng 3 năm nay, địa phương không có cơn bão nào lớn nên dễ sinh tâm lý chủ quan. "Bài học từ cơn bão số 3 Yagi là rất đau thương. Đáng ngại nhất là mưa lớn, chắc chắn có mưa lớn thì sẽ có sạt lở. Đề nghị 6 huyện miền núi cao đặc biệt cảnh giác. Sau cuộc họp đề nghị chỉ đạo toàn hệ thống tuyên truyền cho người dân hiểu được việc này. Chỉ còn 2 ngày thì bão vào, tất cả kinh nghiệm lâu nay phải đem ra hết mà dùng, thiếu sót thì sẽ chịu thiệt hại oan uổng” – ông Bửu nói.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão. Chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
"Ngay từ bây giờ phải rà soát để tập trung chu đáo, kiểm tra chặt từ trên xuống dưới, nhất là nơi xung yếu, cần thiết, vùng ven biển, miền núi, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở. Tuyệt đối không được chủ quan. Biên phòng thông báo thường xuyên cho các tàu thuyền tìm nơi tránh trú. Sở NN&PTNT tùy tình hình, tham mưu thời điểm cấm biển để UBND tỉnh quyết định. Đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh phải theo dõi, thông báo thường xuyên diễn biến của bão, bất kể ngày giờ, nếu có tình huống phải thông báo ngay” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu.
[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp:
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cũng nhấn mạnh, việc triển khai các phương án phòng chống rủi ro thiệt hại bão TRAMI (Trà Mi) cần thực hiện đồng bộ quyết trong các ngành các cấp, từ tỉnh đến cơ sở tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nhanh chóng triển khai phương án ứng phó với các kịch bản rủi ro thiên tai tùy theo cấp độ nhằm giảm nhẹ rủi ro thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.