Chiều ngày 1/11, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn số 8468/UBND-KTN về việc chủ động ứng phó với mưa lớn trong thời gian tới.
Theo thông tin dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn tại Công văn số 1297/TCKTTV-QLDB ngày 31/10/2024, từ ngày 03/11 đến ngày 10/11/2024, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn; sau ngày 10/11/2024, mưa lớn ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn, trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.
Thực hiện Công văn số 8220/BNN-ĐĐ ngày 31/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ miền Trung trong 10 ngày tới (gửi kèm trên trục liên thông văn bản điện tử); UBND tỉnh đề nghị các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 8374/UBND-KTN ngày 29/10/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 6 và mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh; Công văn số 7558/UBND-KTN ngày 04/10/2024 của UBND tỉnh về việc tiếp tục rà soát, tăng cường tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; Công văn số 286/BCHPCTT&TKCN ngày 31/10/2024 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, dông, lốc xoáy, sét và gió giật mạnh;
- Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
- Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính;- Chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi
trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết đảm bảo theo quy định.
3. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam, Cổng Thông tin điện tử Quảng Nam và Đài Truyền thanh các địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền về diễn biến thời tiết, thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
4. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Các Sở, Ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương rà soát các phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả với diễn biến mưa lũ.
6. Tổ chức trực ban nghiêm túc theo Công văn số 4864/UBND-KTN ngày 01/7/2024 của UBND tỉnh và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh (qua Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT)./.