Ngày 07/5, UBND tỉnh ban hành công văn số 3224/UBND-KGVX gửi các sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Báo Quảng Nam; Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Công văn nêu, thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của một bộ phận người dân, điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 11 và 12/3/2024 làm 369 người nhập viện điều trị và đặc biệt mới đây nhất, vụ ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30/4/2024 với trên 500 người mắc phải nhập viện điều trị, gây lo ngại trong Nhân dân.
Thực hiện Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; để chủ động tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện các nội dung sau:
UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, chú ý kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.
Tập trung lực lượng triển khai kiểm tra có trọng tâm các cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp, đảm bảo tránh chồng chéo hoặc bỏ sót cơ sở; đặc biệt lưu ý tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh thực phẩm, gánh hàng rong trước cổng các trường học... Kiên quyết xử lý nghiêm, không để các cơ sở không bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm hoạt động; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.