(QNP) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh ban đêm (KDBĐ) của hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD) trên địa bàn.
Thông qua kế hoạch lần này nhằm nâng cao chất lượng quản lý thuế đối với hoạt động KDBĐ trên địa bàn tỉnh, động viên đầy đủ nguồn lực phát sinh từ lĩnh vực này cho ngân sách nhà nước; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của HKD, CNKD.
Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong công tác phối hợp và thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước về KDBĐ đối với HKD, CNKD; trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là Đội Quản lý thị trường, ngân hàng thương mại, trung gian quản lý, trung gian thanh toán tiền hàng; thực hiện tốt việc phối hợp với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế về KDBĐ và cung cấp thông tin HKD, CNKD cho cơ quan Thuế.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật thuế của HKD, CNKD hoạt động KDBĐ trong thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định.
Thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin của HKD, CNKD có hoạt động KDBĐ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thuế.
Kế hoạch lần này đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động KDBĐ, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và thiết bị giám sát tự động để quản lý thuế đối với HKD, CNKD tham gia hoạt động KDBĐ nhằm kiểm soát tốt các giao dịch kinh doanh của HKD, CNKD.
Trong đó quy định tất cả HKD, CNKD kinh doanh: nhà hàng, cà phê… có máy tính tiền, yêu cầu bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, để giám sát việc kinh doanh, xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó làm cơ sở thu thuế phù hợp.
Phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh và các ngân hàng thương mại thực hiện việc tuyên truyền, vận động các HKD, CNKD nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt giúp kiểm soát chặt chẽ doanh thu từ hoạt động KDBĐ. Hạn chế đến mức thấp nhất việc thanh toán dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động KDBĐ khi thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt như: bằng thẻ hay qua ứng dụng điện thoại di động, mã QR, trích nợ tự động, chuyển khoản…
Yêu cầu các HKD, CNKD cung cấp cho cơ quan Thuế thông tin về số tài khoản ngân hàng đang sử dụng.
Áp dụng ứng dụng chuyển đổi số vào công tác giám sát hoạt động kinh doanh; theo đó, đẩy mạnh chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh tại ứng dụng eTax Mobile cho phép bổ sung thông tin về thời gian hoạt động, phân biệt khung thời gian (ban ngày, ban đêm) để quản lý đối tượng được chặt chẽ, dễ dàng hơn.
Xây dựng ứng dụng phục vụ du lịch để người dân/du khách có thể tra cứu các địa điểm cung cấp dịch vụ KDBĐ, đồng thời góp phần giúp cơ quan Thuế quản lý thuế hiệu quả hơn.