Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng vừa có công văn đề nghị các Sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và thời tiết nguy hiểm trên biển.
Do ảnh hưởng phần phía Bắc của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Nam Trung Bộ kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao; nên từ đêm 13/10 đến ngày 16/10 các địa phương trong tỉnh khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa ở vùng núi phía Tây Bắc của tỉnh phổ biến từ 150 - 250mm, vùng đồng bằng ven biển, trung du, và vùng núi phía Tây Nam phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi trên 450mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1.
Dự báo mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối và gây ngập úng tại TP Tam Kỳ, TP Hội An, TX Điện Bàn, TT Nam Phước, TT Hà Lam, TT Núi Thành. Vùng biển Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, từ chiều và đêm 12/10 trên khu vực giữa Biển Đông có khả năng xuất hiện một vùng áp thấp; sau có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai nói trên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện các nội dung tại Văn bản số 6670/UBND-KTN ngày 11/10/2022 của UBND tỉnh về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó thiên tai thời gian đến.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo của của cơ quan khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử http://pctt.quangnam.vn, trang Facebook Thông tin phòng chống thiên tai Quảng Nam, nhóm Zalo Trực ban PCTT các huyện, thị xã, thành phố; theo dõi lượng mưa trên địa bàn tại trang web http://Vrain.vn hoặc ứng dụng Vrain trên điện thoại, chủ động các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra. Tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến Nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, có kế hoạch bảo vệ sản xuất.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, các phương tiện hoạt động trên sông, các hộ dân sống ven sông, suối, đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra; chủ động tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các bến đò ngang, đò dọc và khu vực đường giao thông bị ngập. Sẵn sàng lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân.
Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình biết thông tin về tình hình mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển: - Thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, lồng bè, nuôi trồng thủy sản biết tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. - Chủ động tổ chức thực hiện công tác quản lý, đảm bảo an toàn tàu thuyền, người và tài sản theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Khoản 5, Công văn số 2054/UBND-KTN ngày 06/4/2022 về chủ động ứng phó thiên tai năm 2022.
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam quan tâm, tăng cường tần suất, thời lượng phát các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, các video hướng dẫn các kỹ năng phòng chống thiên tai để Nhân dân theo dõi, chủ động biện pháp ứng phó (Tài liệu tham khảo tại website: http://phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx và http://pctt.quangnam.vn/index.php/tin-ta-c-sa-kia-n/pho-bien-kien-thuc).
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Các chủ hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh theo Quy trình vận hành liên hồ chứa tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ: Rà soát, thực hiện đảm bảo các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công 3 văn số 5591/UBND-KTN ngày 24/8/2022 về vận hành các hồ chứa theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mùa mưa lũ năm 2022. Tăng cường tổ chức theo dõi; tính toán, tổ chức (hoặc đề xuất) vận hành các hồ đảm bảo Quy trình vận hành liên hồ chứa tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tổ chức vận hành đảm bảo không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Thực hiện tốt việc thông tin, thông báo đến chính quyền, Nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.
Tổ chức trực ban và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.