Chiều ngày 06/1, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh tổ chức họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, năm 2022, Chương trình MTQG xây dựng NTM được phân bổ gần 618 tỷ đồng, hiện đã giải ngân đạt hơn 19%. Đến nay, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm hớn 60%; có 02 huyện Phú Ninh, Duy Xuyên đạt chuẩn huyện NTM và 02 thị xã ,thành phố Tam Kỳ, Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựngNTM; 211 thôn được công nhận đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Chương trình MTQG giảm nghèo được phân bổ hơn 498,5 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022 đã giải ngân đạt tỷ lệ 15,26%. Theo thống kê, đến cuối năm đã thực hiện giảm 3.981 hộ nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi được phân bổ hơn 422 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt 12,45%.
Tại cuộc họp, các địa phương cho biết, nguồn vốn thực hiện các chương trình phân bổ trễ, hiện nay các địa phương đang trình HĐND cấp huyện phê duyệt danh mục chi tiết công trình đầu tư công trung hạn thực hiện Chương trình năm 2022 và giai đoạn 2021-2025, nên việc tổ chức triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư kế hoạch năm 2022 gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh phấn đấu thực hiện giải ngân 100% nguồn vốn được giao, kể cả nguồn vốn từ năm 2022 chuyển sang; có thêm ít nhất 07 xã đạt chuẩn NTM, 15 xã NTM nâng cao và 01 xã NTM kiểu mẫu, 100 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; giảm ít nhất 3.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3,%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 6%; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 460 hộ đồng bào DTTS, hỗ trợ, sắp xếp ổn định dân cư cho 650 hộ, xây mới, xóa nhà tạm cho 186 hộ…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các ngành, địa phương cần thể hiện quyết tâm để triển khai các chương trình MTQG tại Quảng Nam đạt kết quả theo tinh thần đúng nguyên tắc, mục tiêu, kịp thời, chính xác...
Trước mắt, cần tập trung các giải pháp phân bổ dứt điểm nguồn vốn năm 2022; tập trung hoàn thành hồ sơ của năm kế hoạch 2022 và thực hiện dứt điểm hồ sơ mời thầu trong quý I năm 2023. Thực hiện điều chuyển nguồn vốn đối với các địa phương thực hiện không kịp tiến độ. Cùng với đó, các ngành, địa phương tập trung chuẩn bị hồ sơ kế hoạch năm 2023 trong tháng 4 năm 2023 để xúc tiến thi công trong mùa nắng, đảm bảo tiến độ giải ngân...