Vừa qua, Sở LĐ,TB&XH đã ban hành công văn đề nghị các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông; các địa phương triển khai một số nội dung trọng tâm trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau đây: Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý các Chương trình MTQG để chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 27/4/2022 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; có văn bản giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị liên quan của huyện, thị xã, thành phố chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình theo như nhiệm vụ của các Sở, ngành ở cấp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022.
Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương và vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình năm 2022 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 về phân bổ kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương, nguồn ngân sách tỉnh và đối ứng của ngân sách địa phương; phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương, nguồn ngân sách tỉnh và đối ứng của ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện Chương trình ngay sau khi có quyết định phân bổ của UBND tỉnh cho các cơ quan, đơn vị liên quan cấp huyện và UBND cấp xã để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời. Việc bố trí nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện từng Dự án, Tiểu dự án phải đảm bảo đúng tỷ lệ đối ứng bằng mức tối thiểu quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh; huy động, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh phân bổ và địa phương đối ứng để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trên địa bàn.
Khẩn trương củng cố, tổ chức lại bộ máy, con người làm công tác giảm nghèo ở cấp huyện và cấp xã để triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn; trong đó, cấp huyện phải quan tâm bố trí người theo dõi công tác giảm nghèo trong Đề án vị trí việc làm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; cấp xã, giao người làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội đảm nhận theo đúng các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và hằng năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng biểu mẫu, thời gian quy định tại Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Kính đề nghị các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông căn cứ chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 90/QĐ-TTg, Thông tư hướng dẫn của các Bộ chủ quản chủ trì các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình và các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ của UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng biểu mẫu, thời gian quy định tại Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo trung ương theo quy định.
Kính đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các hội đoàn thể của tỉnh phối hợp, tuyên truyền, vận động nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình; thực hiện giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định.