(QNP) - Ngày 19/8, trong quá trình đánh bắt bằng lưới rê tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP. Hội An), ngư dân địa phương đã bất ngờ phát hiện một cá thể ốc tù mắc lưới, lần đầu tiên sau hàng chục năm.
Một cá thể ốc tù (tên khoa học là Charonia Tritonis) nặng khoảng 2,65kg và dài 440mm đã được ngư dân Trần Văn Cử, trú tại thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp, phát hiện và bắt giữ. Điều đáng chú ý là cá thể này có sức khỏe bình thường.
Nhận thức được tầm quan trọng sinh học của loài ốc tù và, ngư dân Trần Văn Cử đã nhanh chóng báo cáo với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ban quản lý đã phối hợp với các cơ quan chức năng và ngư dân để thả cá thể này trở lại biển.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trong gần 20 năm giám sát rạn san hô, họ chưa từng ghi nhận sự xuất hiện của ốc tù và. Các ngư dân lão làng tại Cù Lao Chàm cũng xác nhận rằng đây là lần đầu tiên sau gần 30 năm họ mới thấy loài này xuất hiện trở lại.
Ốc tù thuộc Bộ Chân bụng trung, có hình dạng giống chiếc khèn, dài khoảng 350mm, lớn và nặng. Vỏ ốc có màu kem với nhiều vân màu nâu đậm hoặc nhạt, các đường xoắn ốc nổi rõ từ miệng đến đỉnh. Loài này sống ở vùng dưới triều đáy mềm, ven rạn san hô và có thể xuống đến độ sâu 20-30m. Thức ăn chính của ốc tù là sao biển gai (tên khoa học là Acanthaster planci), loài sinh vật ăn san hô và đe dọa đến đời sống các rạn san hô. Do đó, ốc tù và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rạn san hô.
Sự xuất hiện trở lại của ốc tù và tại vùng biển Cù Lao Chàm là một tín hiệu vui cho công tác bảo tồn biển. Theo Sách đỏ Việt Nam 2007, loài này được phân hạng CR (rất nguy cấp và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên)