Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành công văn yêu cầu các Ban cán sự đảng, Đảng đoàn; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức CT-XH tỉnh; các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Nội dung công văn nêu rõ, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng trăm người nhập viện và 01 người bị tử vong gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Trước tình hình trên, để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW; Kế hoạch số 236-KH/TU; Luật An toàn thực phẩm; văn bản chỉ đạo, quản lý của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh; các văn bản của địa phương về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; phải xác định phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là việc làm quan trọng, thường xuyên, xử lý ngộ độc thực phẩm là cấp bách; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản để phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; không để cơ sở không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hoạt động. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, kịp thời chăm sóc, điều trị các ca bệnh ngộ độc thực phẩm; công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ra ngộ độc thực phẩm; kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho báo chí để định hướng tư tưởng; đồng thời, chỉ đạo xử lý thông tin xấu, độc gây hoang mang dư luận xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thông tin, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, nhiệm vụ, pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, phòng ngừa và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng các thực phẩm an toàn sức khỏe và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm; tích cực giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Các cơ quan thông tấn báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm; phát hiện, phê phán các hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; biểu dương nhằm nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh, phân phối thực phẩm an toàn. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh; cần đưa tin chính thống, kịp thời, khách quan, trung thực về tình hình, diễn biến, kết quả mẫu kiểm nghiệm và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm của các cơ quan chức năng để người dân biết, chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; không đưa tin gây hoang mang dư luận xã hội.
File đính kèm :Công văn