Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng

TS 23/05/2022 00:00

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra trong năm 2022; UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung triển khai các nội dung chủ yếu sau: 

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCCR và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 04/CĐ- UBND 26/5/2021 và Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 11/8/2021 về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đến mọi tầng lớp Nhân dân biết và thực hiện. Thực hiện phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để và cần đặc biệt chú ý an toàn tính mạng con người và tài sản khi tham gia chữa cháy rừng; chủ động phương châm "4 tại chỗ" và “5 sẵn sàng” trong công tác PCCCR, hạn chế thấp nhất về thiệt hại do cháy rừng gây ra. 

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương cấp xã phối hợp tổ chức cho chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR, quy định xử lý thực bì; chỉ đạo bố trí lực lượng ứng trực 24/24 và canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng trong thời gian nắng nóng cao điểm; đặc biệt giám sát và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng của người dân trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài; tổ chức kiểm tra, giám sát không cho đốt khi có dự báo nguy cơ cháy cấp IV, cấp V; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm. 

Chỉ đạo, huy động các lực lượng và phương tiện trên địa bàn để kịp thời triển khai các biện pháp chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra và ứng cứu khi có yêu cầu của các địa phương lân cận có xảy ra cháy rừng; trong đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng làm lực lượng nòng cốt để huy động. 

Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCCCR, phát triển rừng bền vững; theo đó, vận động Nhân dân giảm trồng keo chu kỳ ngắn, chú trọng phát triển rừng bằng cây gỗ lớn, cây bản địa, cây đa mục tiêu để không những phát triển kinh tế rừng mà còn góp phần giảm thiểu sạt lở đất, giảm nguy cơ cháy rừng. 

Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân khi có cháy rừng vừa xảy ra trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng; rà soát, thống kê, phân loại theo mức độ thiệt hại, khả năng phục hồi, chức năng rừng đối với diện tích rừng bị cháy trên địa bàn và khẩn trương chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan, chủ rừng xây dựng phương án khắc phục với những giải pháp phù hợp với từng loại rừng như: khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng đối với diện tích có khả năng phục hồi; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích cháy năm 2021 không có khả năng phục hồi để tổ chức trồng lại rừng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng để lấn chiếm đất sau cháy rừng để trồng rừng, nhất là tại những khu vực giáp ranh với đất sản xuất của cá nhân, hộ gia đình. 

Những địa phương nào chưa có tài khoản theo dõi cảnh báo cháy rừng cho lãnh đạo UBND huyện thì khẩn trương cung cấp số điện thoại và địa chỉ email để Chi cục Kiểm lâm tạo tài khoản trên hệ thống Quản lý giám sát tài nguyên rừng nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo xác minh và triển khaicác biện pháp chữa cháy rừng. 

Rà soát nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để tăng cường hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, xây dựng đường băng cản lửa (băng trắng) cho công tác PCCCR kết hợp với giao thông nông thôn, trong đó chú ý đưa PCCCR vào phương án phòng chống thiên tai hàng năm để có sở bố trí kinh phí thực hiện PCCCR tại các địa phương. 

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức triển khai nghiêm túc các quy định, giải pháp về PCCCR, cụ thể: 

Thường xuyên trực theo dõi cảnh báo cháy rừng trên Hệ thống quản lý, giám tài nguyên rừng rừng Quảng Nam (https://quanlyrung.quangnam.gov.vn), tiếp tục tạo tài khoản nhận cảnh báo cho lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và thông tin đến các địa phương, chủ rừng các điểm cháy. Nghiên cứu đề xuất cải thiện, bổ sung vào phần mềm chức năng có thể quản lý hoạt động đốt thực bì để kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh sớm và tổ chức triển khai các biện pháp chữa cháy nhằm hạn chế thấp nhất việc phát sinh vụ cháy rừng lớn trên địa bàn. 

Phối hợp với lực lượng liên ngành (Công an, Quân đội, Biên phòng, Chi cục Kiểm lâm Vùng IV) triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra. 

Tiếp tục thực hiện Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 26/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh: Giao Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) được huy động lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng để tham gia chữa cháy rừng khi cần thiết, giao nhiệm vụ cho Đội trưởng các Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng theo địa bàn được phân công quản lý trực tiếp chỉ huy, điều động và tổ chức chữa cháy rừng đối với lực lượng này bảo đảm về vật tư, trang thiết bị và hậu cần chữa cháy rừng. 

Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn và xử lý nghiêm minh theo quy định. Phối hợp với các địa phương, chủ rừng rà soát đánh giá chính xác mức độ thực tế thiệt hại các vụ cháy rừng (diện tích nào tự phục hồi được, diện tích nào phải trồng lại rừng) để làm cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục hiệu quả. 

Sớm hoàn thiện Dự án nâng cao năng lực lực lượng Kiểm lâm lâm tỉnh về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR giai đoạn 2022 - 2030, trong đó chú trọng đề xuất các nội dung về PCCCR để lập báo cáo chủ trương đầu tư đề xuất nguồn vốn Trung ương hỗ trợ. 

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh và các Ban quản lý rừng: chủ động thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR đã được phê duyệt; tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, bố trí phương tiện, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường trực tại các vùng trọng điểm để theo dõi nắm bắt tình hình, kịp thời thực hiện nhiệm vụ PCCCR trong lâm phận, vùng giáp ranh và sẵn sàng hỗ trợ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tham gia chữa cháy các diện tích ngoài lâm phận và các địa phương khác khi có yêu cầu. 

Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tăng cường thực hiện phát triển rừng thông qua các dự án, mô hình trồng cây bản địa theo Kế hoạch số 2363/KH-UBND ngày 26/4/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án trồng mới 01 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh (năm 2022 thực hiện theo Kế hoạch số 531/KH-UBND ngày 24/01/2022) để vừa bảo vệ rừng, PCCCR, phòng chống thiên tai và tham gia làm kinh tế lâm nghiệp tại địa phương. 

Sở Tài chính rà soát, bố trí nguồn kinh phí đưa vào dự toán hàng năm cho lực lượng Kiểm lâm, các địa phương để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PCCCR như: Tuyên truyền, trực cháy, chữa cháy, điều tra các vụ việc cháy rừng và kinh phí mua sắm bổ sung một số trang thiết bị, dụng cụ PCCCR; xem xét tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để lực lượng Kiểm lâm tiếp tục hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR tại các xã trọng điểm cháy rừng của tỉnh. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở Công văn số 2047/BNN-TCLN ngày 05/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai thực hiện Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp hướng dẫn Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Dự án nâng cao năng lực lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 để kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất bố trí nguồn vốn Trung ương thực hiện. 

Sở Nội vụ sớm tham mưu kế hoạch thi tuyển công chức bổ sung biên chế cho lực lượng Kiểm lâm; đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về PCCCCR của các địa phương, đơn vị để xét thi đua, khen thưởng hàng năm. 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Kiểm lâm) và các địa phương trong công tác PCCCR khi có yêu cầu. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với cơ quan Kiểm lâm tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng xảy ra để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Báo Quảng Nam, Đài Truyền Thanh - Truyền hình tỉnh và các Hội, đoàn thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước cho toàn thể Nhân dân trong bảo vệ rừng và PCCCR. 
 

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO