Sáng ngày 14/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để nghe báo cáo tình hình công tác quản lý người nghiện, tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tình hình tệ nạn nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Các đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng ma tuý ngày càng manh động, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, khó lường; người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma túy trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng, sinh sống ở nhiều vùng, miền, tập trung vào nhóm người trẻ tuổi, đa số có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng và địa phương, tính đến ngày 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh hiện có 732 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, 110/241 xã, phường, thị trấn thuộc 15/18 huyện, thị xã, thành phố có người nghiện ma tuý (trừ huyện Tây Giang, huyện Đông Giang, huyện Nông Sơn).
Công tác tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt từ ngày 01/01/2022 phải triển khai thực hiện các quy định mới theo Luật phòng, chống ma tuý, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ; công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện và quản lý người sau cai triển khai thực hiện vẫn chưa đảm bảo theo quy định.
Tính đến 31/12/2022, Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam hiện đang tổ chức cai nghiện và quản lý 111 học viên (96 cai nghiện bắt buộc, 02 học viên cai nghiện tự nguyện, 13 học viên được giao quản lý). Hiện không có đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; 469 người cai nghiện bằng chất thay thế Methadone. Hiện có 30 xã, phường, thị trấn đang quản lý 115 người sau cai nghiện ma túy.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng các Sở, ngành liên quan và các địa phương cũng đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp khắc phục những vướng mắc, tồn tại, cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới: Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý người nghiện; hỗ trợ cho người cai nghiện, người sau cai nghiện ma tuý, cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện, thu hút Bác sĩ có chuyên môn vào làm việc ở Cơ sở cai nghiện ma tuý Quảng Nam. Tập trung đầu tư, mở rộng việc cung cấp các dịch vụ cai nghiện và tăng cường công tác quản lý người sau cai nghiện ma tuý; thành lập mạng lưới các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý trên địa bàn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý, cai nghiện và quản lý sau cai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và nhận thức rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý; quản lý chặt chẽ, hỗ trợ điều trị đối với người nghiện ma tuý ở ngoài cộng đồng; lấy kết quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý làm tiêu chí, đánh giá xếp loại đối với cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ.