Thông tin tuyên truyền

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

09/04/2022 00:00

Sáng ngày 05/4 tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 


 


 

Toàn cảnh Hội nghị thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

 

Tham dự Hội nghị còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành cùng các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học.

 


 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo với những nội dung chủ yếu: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Điều khoản chuyển tiếp bổ sung quy định để xử lý việc cấp lại, xử lý vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông đối với các giấy phép sử dụng băng tần được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực, bảo đảm tính khả thi, liên tục của pháp luật.

 


 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại Hội nghị.

 

Thẩm tra về dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Căn cứ Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Tiểu ban Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Tiểu ban) đã tổ chức khảo sát việc thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện, làm việc với Ban Soạn thảo dự án Luật, tổ chức hội thảo, tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý về tình hình thực hiện và các nội dung của Dự án Luật. Tiểu ban đã nghiên cứu và có ý kiến bước đầu về nội dung thẩm tra sơ bộ của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện theo Tờ trình số 97/TTr-CP ngày 26/03/2022 của Chính phủ.

Tiểu ban tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Nghị quyết về chỉ số đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, về phát triển khoa học – công nghệ; khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực, trong đó có tài nguyên tần số. Đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật nói chung và để kịp thời giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nói riêng.

Tuy nhiên, Tiểu ban nhận thấy, so với dự thảo Luật ban đầu, trong hồ sơ Chính phủ trình lần này có bổ sung thêm chính sách “Nâng cao hiệu quả khai khai thác các tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết”. Đây là chính sách hoàn toàn mới. Điều này thể hiện cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình chuẩn bị và đánh giá nội dung còn chưa đầy đủ và toàn diện.

 


 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn.

 

Tiểu ban nhận thấy, về cơ bản nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Về tổng thể, dự thảo Luật kế thừa hợp lý các quy định hiện hành; sửa đổi, bổ sung một số quy định mới; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục bất cập trong thực tiễn. Các nội dung bổ sung cơ bản phù hợp với 05 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật.

Tiểu ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật với các Luật khác, như: quy hoạch tần số vô tuyến điện không phù hợp với Luật Quy hoạch; tần số vô tuyến điện là tài sản công theo Luật Quản lý, tài sản công năm 2017; quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là tài sản theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016; tần số vô tuyến điện sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội không phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020; điều khoản chuyển tiếp được quy định tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật không phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 152 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, …để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, Tiểu ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý tính đồng bộ, thống nhất trong các dự thảo Luật do Bộ Thông tin và Truyền thông sắp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội như dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu thống nhất với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện và cho rằng, khi sửa đổi Luật cần có sự thống nhất, tránh chồng chéo với các Luật khác. Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến vào giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết ban hành Luật vì những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 97/TTr-CP 26/3/2022 của Chính phủ nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật với quy định của các luật khác có liên quan để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phí, lệ phí, Luật Giá, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp...; đồng thời đối với nội dung sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng an ninh kết hợp với mục đích kinh tế - xã hội, đề nghị tiếp tục rà soát về tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị giải trình rõ lý do bổ sung thêm chính sách quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện so với các nội dung chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 20/8/2021 tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

 


 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đóng góp ý kiến cho dự án Luật.

 

Cho ý kiến về giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (Điều 18 của Luật Tần số vô tuyến điện được sửa đổi, bổ sung theo khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển nêu quan điểm: Điều 18 của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành quy định 03 hình thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gồm: Cấp giấy phép trực tiếp, thông qua thi tuyến và đấu giá. Mục I.1.b (trang 3) của Tờ trình nếu một trong những lý do để sửa đổi, bổ sung Luật là “cần xác định rõ khi nào đấu giá, khi nào thi tuyển đối với băng tần được sử dụng để cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất công cộng”.

Tuy nhiên, mặc dù khoản 3 Điều 18 đã được sửa đổi trong dự thảo Luật để bổ sung một số tiêu chí xác định trường hợp đấu giá hoặc thi tuyển, nhưng các tiêu chí này vẫn chưa rõ ràng, chưa có yếu tố định lượng, thẩm quyền quyết định cụ thể vẫn là Thủ tướng Chính phủ như tại điểm a khoản 3 Điều 18 của Luật hiện hành. Như vậy, nội dung sửa đổi là chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ vấn đề này.

Nêu quan điểm về giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Điều 16, khoản 2 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ được cấp “kèm theo các điều kiện cụ thể”. Luật hiện hành cũng như dự thảo không quy định rõ các điều kiện cụ thể này là gì. Các điều kiện này được hiểu là sự hạn chế quyền sử dụng tần số của doanh nghiệp được cấp, cũng chính là hạn chế quyền tài sản của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 14.2 của Hiến pháp 2013, việc hạn chế quyền chỉ được quy định trong luật, chứ không phải văn bản dưới luật.

Do đó, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ quy định về các điều kiện cụ thể trong giấy phép vào trong luật này, như quan điểm VCCI đã góp ý ở giai đoạn đề nghị xây dựng Luật.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu còn nghe đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải trình thêm ý kiến của các đại biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

 


 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 05/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Việc đưa dự án Luật vào sửa đổi, bổ sung là để thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng đã được đề cập trong Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhằm thể chế hóa kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu hội nhập quốc tế vào trong Luật Tần số vô tuyến điện; đồng thời khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn quản lý và để phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Đây là dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm ngay từ lúc đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022, thể hiện trong Kết luận tại phiên họp thứ 5 (tháng 11/2021).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong chỉ đạo, xây dựng dự thảo Báo cáo; các đồng chí đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ ngành, các đồng chí chuyên gia đã tham dự và có nhiều ý kiến rất xác đáng. Tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là nguồn tài nguyên hữu hạn và quý giá của mỗi quốc gia. Hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện không chỉ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và bảo vệ quyền lợi, chủ quyền quốc gia.

Phổ tần số vô tuyến điện là nguồn tài nguyên được dùng chung, đòi hỏi phải được quản lý thống nhất. Công nghệ quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện là công nghệ cao. Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở trình độ thấp xa so với nhiều nước đang phát triển và các nước đã phát triển. Vì vậy cần bảo đảm việc quản lý thống nhất, phân bổ và sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các lĩnh vực khác nhau, do đó dự thảo Luật cần rà soát bổ sung quy định để bảo đảm có một cơ quan quản lý chuyên ngành có vị trí pháp lý và năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ đủ mạnh. 

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế; về giới hạn tổng độ rộng băng tần; về việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết. Nội dung này cần được làm rõ hơn về tính thuyết phục, bảo đảm đủ quy định ứng phó trong trường hợp cần thiết.

Qua thảo luận cũng đang có ý kiến về các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: cấp trực tiếp, đấu giá hay thi tuyển. Đề nghị các cơ quan xem xét phân biệt rõ hơn về các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đặc biệt là đấu giá và thi tuyển. Có báo cáo bổ sung giải trình rõ thêm việc lý do chọn phương thức đấu giá chứ không áp dụng theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản. Dự thảo Luật cần bổ sung căn cứ pháp lý để có thể sớm triển khai đấu giá các băng tần sử dụng cho phát triển, sớm triển khai thương mại và phủ sóng rộng rãi mạng 5G thúc đẩy chuyển đổi số mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân. Từ đó, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong lĩnh vực ICT, chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặc biệt lưu ý các giải pháp hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số vô tuyến điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phục vụ lợi ích công cộng; quy định về bắt buộc áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao để thúc đẩy phát triển công nghệ và sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện.

Một vấn đề nữa cần lưu ý là hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, trong đó có việc thực hiện công bằng, bình đẳng trong việc sử dụng khoảng không vũ trụ và thúc đẩy đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề cuối cùng được dư luận quan tâm là ảnh hưởng của bức xạ vô tuyến điện, nhất là thiết bị phát sóng vô tuyến điện có công suất lớn ở dải sóng tương ứng, có khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Do vậy, phải quy định đầy đủ về vấn đề này, từ việc ban hành quy chuẩn, quy định và quản lý chứng nhận hợp quy, kiểm định cho đến việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Qua phiên họp và các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo phía Bộ phối hợp tích cực với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường trong quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến góp ý về dự thảo Luật. Đồng thời, chỉ đạo rà soát nội dung của các chính sách trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sao cho bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 


 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội nghị.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Lê Quang Huy đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Những ý kiến, đề xuất thực sự có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật; làm rõ thêm một số vấn đề về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Lê Quang Huy đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án Luật tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 tới./.

 

 

 

 

 

 

 

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO