Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Thanh niên Cơ Tu thoát nghèo từ cây cam

QTI

(QNP)- Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những năm gần đây, đời sống kinh tế của nhiều hộ đồng bào trên địa bàn xã A tiêng huyện Tây Giang đã khá giả. Thu nhập của nhiều gia đình được tăng lên, mức sống được cải thiện rõ rệt. Điển hình trong đó có mô hình trồng cây cam cho thu nhập cao của gia đình anh Răđăl Nhị ở thôn Tr’lêê xã A Tiêng.

Sequence 01.00_06_44_14.Still005
Vườn cam của a Nhị đang cho quả trĩu cành.

Trên diện tích khoảng 5.000m2 đất đồi dốc, trước đây canh tác nương rẫy manh mún, hiệu quả thấp, nhưng giờ đây được anh Răđăl Nhị mạnh dạn đầu tư trồng hơn 200 gốc cam Vinh. Với bản tính cần cù, chịu khó, hăng say lao động, anh Nhị đã khắc phục mọi khó khăn về điều kiện kinh tế, giao thông và tập quán canh tác lạc hậu, để dành toàn lực chăm bón vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy không phải là hộ đầu tiên trồng cây cam Vinh tại địa phương, nhưng mô hình của gia đình anh Nhị hiện tại là một trong những vườn mẫu điển hình cho thu nhập cao trong xã. Thành công của anh Nhị đã và đang làm thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm của người dân A Tiêng.

“Khoảng một tháng trước khi thu hoạch quả tuyệt đối không được phun bất kỳ loại thuốc nào vào cây và quả để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Sau khi thu hoạch xong toàn bộ quả thì tiến hành cắt tỉa vệ sinh vườn cây; cuốc rãnh vòng quanh tán cây, phơi đất và bón phân vào rãnh, lấp đất, rải vôi tiến hành chăm sóc, như vậy cây sẽ tốt” – anh Nhị chi sẻ.

Do được đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, năm 2023, vườn cam của gia đình anh Nhị bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên với chất lượng quả to, ngọt đậm, mẫu mã đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng, được các thương lái đến tận vườn thu mua, số còn lại được gia đình đem ra chợ bán. Hiện nay với 200 gốc cam của gia đình cho năng suất trung bình 2-3 tấn quả/vụ, giá bán tại vườn bình quân 18.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu nhập đạt gần 70 triệu đồng/năm.

Sequence 01.00_06_24_06.Still004
Nhờ biết cách chăm bón theo khoa học kỹ thuật nên cam của a Nhị được nhiều người tin dùng.

Mặc dù cam Vinh được bày bán rất nhiều trên thị trường cũng như chợ huyện, nhưng người dân trong vùng vẫn tin tưởng và mong chờ mua cam của gia đình anh Nhị nhờ đảm bảo về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Không những cung cấp cam cho thị trường trong huyện, anh Nhị còn gửi xe hàng về đồng bằng bán để tăng thu nhập và giới thiệu sản vật ngọt lành từ vùng đất A Tiêng.

Sequence 01.00_05_22_05.Still003
Mỗi vụ cam trung bình 2-3 tấn quả/vụ đem về cho a Nhị thu nhập đạt gần 70 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã A Tiêng - Pơloong Acông cho biết, mô hình trồng Cam Vinh của gia đình anh Nhị không chỉ giải quyết được bài toán sinh kế mà còn tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 300 nghìn/ngày.

Từ mô hình này, xã đã nhân rộng ra nhiều mô hình khác để giúp bà con làm giàu. Anh Nhị rất nhiệt tình giúp đỡ hội viên về kinh nghiệm trồng và chọn giống cây”.

Từ mảnh đất đồi dốc, cằn cỗi khó canh tác nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi qua trồng cây cam, giờ đây những vụ cam đã thực sự là mùa vàng ngọt lành đến với gia đình anh Răđăl Nhị. Chính nhờ sự sáng tạo, tính cần cù chịu khó đã biến giấc mơ thoát nghèo vươn lên làm giàu của anh Nhị trở thành hiện thực. Và hiện tại tiếp nối những thành quả, anh Nhị đang triển khai mở rộng diện tích trồng cây cam để nâng cao nguồn thu nhập, hướng tới mục tiêu làm giàu bền vững. Đây cũng là mô hình tiêu biểu trong việc thoát nghèo bền vững từ việc tư duy chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương rẫy mà bà con cần học tập, áp dụng để cùng nhau xóa đói, làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thanh niên Cơ Tu thoát nghèo từ cây cam
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO