Sáng ngày 22/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã chủ trì buổi làm việc với Sở NN&PTNT cùng các Sở, ngành liên quan để thảo luận, góp ý hoàn thiện Quy định nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.
Dự thảo Quy định này được áp dụng theo từng địa bàn, gồm: Địa bàn thuộc xã, thị trấn khu vực III; địa bàn thuộc xã, thị trấn khu vực II và địa bàn các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo quy định cụ thể về nội dung, mức hỗ trợ thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; nội dung, mức hỗ trợ thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ; cùng các các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất khác như: Chi hỗ trợ xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; chi hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; chi hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn; bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn.
Trong đó, mức hỗ trợ thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được quy định cụ thể sau: Hỗ trợ ngân sách trung ương không quá 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn, không quá 70% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khó khăn, không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng không quá 5.000 triệu đồng/dự án. Phần còn lại do ngân sách địa phương và đối ứng của đối tượng hưởng lợi, chủ trì liên kết.
Mức hỗ trợ thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng: Hỗ trợ ngân sách trung ương không quá 95% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn, không quá 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khó khăn, không quá 60% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng không quá 3.000 triệu đồng/dự án. Phần còn lại do ngân sách địa phương và đối ứng của đối tượng hưởng lợi.
Mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ: Áp dụng các nội dung, mức theo quy định tại khoản 1 đến khoản 9 Điều 5 Nghị quyết này và khoản 2, khoản 3 Điều 6 Nghị quyết này để xây dựng dự án. Tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện một (01) dự án tối đa 100% nhưng không quá 3.000 triệu đồng (trên tất cả các địa bàn). Khuyến khích bên nhận đặt hàng, các hộ gia đình, cộng đồng tham gia dự án đóng góp đối ứng (bằng tiền, ngày công, hoặc hiện vật). Ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua bên được giao nhiệm vụ, nhận đặt hàng…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo; đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu các ý kiến góp ý của các Sở, ngành để hoàn thiện dự thảo, trình HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, lưu ý Sở NN&PTNT khi xây dựng dự thảo phải bám sát các quy định liên quan của Trung ương, tỉnh; bổ sung một số nội dung về phụ lục kèm theo; có tính phân cấp, phân quyền trong quá trình triển khai thực hiện…