Trước diễn biến mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị các Sở, ngành, địa phương khẩn trưởng triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó với mưa lớn.
Trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to; dự báo trong vài ngày tới các địa phương tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất là tại các địa phương miền núi. Hiện nay mực nước trên các sông đang lên, có khả năng xuất hiện một đợt lũ (với đỉnh lũ cụ thể như sau: trên sông Vu Gia ở mức trên báo động BĐ 2, trên sông Thu Bồn ở mức BĐ 1, trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ 1). Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong những ngày tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp.
Để tập trung ứng phó mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát thực hiện nghiêm Công văn số 6448/UBND-KTN ngày 01/10/2022 của UBND tỉnh và tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của mưa lũ, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để kịp thời tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 01/9/2021.
Tiếp tục rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.
Tiếp tục thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn.
Rà soát phương án, công tác đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, thủy điện; an toàn đê điều, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hệ thống điện, hầm lò, khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiếp tục thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, lồng bè, nuôi trồng thủy sản biết tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Chủ động tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại khoản 5, Công văn số 2054/UBND-KTN ngày 06/4/2022 về chủ động ứng phó thiên tai năm 2022.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ tại các địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh, Văn phòng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, thông tin kịp thời, thường xuyên về tình hình, diễn biến của mưa lũ để Nhân dân biết, chủ động ứng phó.
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Truyền thanh - Truyền hình các địa phương tăng cường tần xuất, thời lượng, thường xuyên đưa tin về tình hình diễn biến thiên tai; phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, các biện pháp phòng tránh về mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và công tác chỉ huy ứng phó của các cấp chính quyền địa phương để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.