Sáng ngày 03/3, Đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện các Sở, ngành liên quan tiếp và làm việc với đoàn.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam Trần Út cho biết, các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng lâm nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm và ổn định cuộc sống cho người dân sống dựa vào rừng. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, các Quyết định triển khai cơ chế chính sách để tăng cường công tác bảo vệ rừng trong tình hình mới.
Trong năm 2022, giá trị sản xuất lâm nghiệp ước tính đạt 1.731 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2021. Công tác quản lý rừng ngày càng đi vào nề nếp, từng bước rừng được giao có chủ quản lý. Các Ban quản lý rừng phòng hộ cấp huyện đã được thành lập theo ranh giới hành chính huyện nên công tác bảo vệ và phát triển rừng không phải chịu sự quản lý chồng chéo như trước đây. Trách nhiệm trực tiếp của chính quyền cấp huyện đối với công tác lâm nghiệp trên địa bàn huyện được nâng cao. Diện tích trồng rừng hàng năm khá lớn. Kết quả đó góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hình thành nguồn cung ứng nguyên liệu rừng trồng cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động và tăng giá trị sản xuất cho ngành lâm nghiệp. Chương trình phát triển LNBV giúp tỉnh Quảng Nam có thêm nguồn lực và điều kiện để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng; hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, gia tăng giá trị kinh tế rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng đã kiến nghị một số nội dung như: Quảng Nam mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ địa phương về nguồn giống trồng rừng gỗ lớn, dược liệu quý; hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện đa dạng hóa sinh học tại Vườn Quốc gia Sông Thanh. Đồng thời, hỗ trợ địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết thêm, năm 2023 là năm bản lề cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp, Quảng Nam quyết tâm chuyển đổi số trong toàn ngành, từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, khai thác tối đa, hiệu quả các tiềm năng của ngành…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao, ghi nhận những kết quả của Quảng Nam đạt được trong phát triển ngành lâm nghiệp. Đối với các kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, tham mưu giải quyết kịp thời, phù hợp cho địa phương. Bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cho ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị định hướng: Để ngành lâm nghiệp phát triển hơn nữa, khai thác tối đa các tiềm năng lợi thế của vùng, trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý giữa ngành tài nguyên - môi trường và lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của Qũy bảo vệ và phát triển rừng, cố gắng để quỹ phát triển hiệu quả; sớm công bố hiện trạng rừng, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và bảo vệ rừng; tập trung phát triển các dược liệu quý, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh; có thể nghiên cứu nhân rộng, phát triển mô hình Sâm Ngọc Linh ở các điều kiện môi trường khác. Song song đó, tỉnh cũng cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư khu chế xuất ngay tại địa phương. Dịp này, Thứ trưởng cũng đề nghị địa phương triển khai đăng ký nhãn hiệu thương hiệu cho các sản phẩm OCOP; xây dựng vùng nguyền liệu cho các sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho các khâu từ chế biến tới tiêu thụ…