Chiều 27/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Lê Trí Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Từ khi tái lập tỉnh đến nay, trên chặng đường 25 năm xây dựng phát triển (1997-2022), với tư duy sáng tạo, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã vươn lên trong từng giai đoạn đổi mới, tạo nên chuyển biến đột phá và gặt hái được những thành tựu to lớn có ý nghĩa quan trọng, đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực và đóng góp 14% vào ngân sách Trung ương từ năm 2022.
Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước tại Quảng Nam đạt 23.773 tỷ đồng, gấp hơn 102 lần so với năm 1997. Kinh tế phát triển toàn diện, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt 9,2%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 68 triệu đồng, gấp gần 31 lần so với năm 1997. Năm 2022, Quảng Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5-8%; thu ngân sách trên địa bàn 23.700 tỷ đồng, tăng 22,4% so với dự toán giao năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách Nhà nước tại Quảng Nam gần 8.300 tỷ đồng, đạt hơn 37% dự toán Trung ương giao, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động du lịch dần phục hồi và khởi sắc trở lại khi Quảng Nam đăng cai Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, khách du lịch tăng 21,4%.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng và đoàn công tác một số nội dung để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Quảng Nam phát triển nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa. Trong đó, kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đối với sân bay Chu Lai, Quảng Nam đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không Chu Lai với các chức năng theo quy hoạch được duyệt…
Sau khi lãnh đạo một số Bộ, ngành đóng góp ý kiến về công tác quy hoạch cũng như các vấn đề, điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Quảng Nam, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh ý kiến của các bộ, ngành, báo cáo của tỉnh Quảng Nam; cơ bản đồng tình báo cáo của tỉnh.
Với những điểm nghẽn mà Quảng Nam đang mắc phải và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thì phối hợp với tỉnh Quảng Nam để giải quyết, cái nào vượt thẩm quyền thì hướng dẫn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trên tinh thần không để kéo dài.
Quảng Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường hơn nữa, tranh thủ nội lực, nguồn lực nội sinh tập trung cho sự phát triển, giữ vững an ninh quốc phòng. Thủ tướng đề nghị Quảng Nam triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP và Nghị quyết 38/NQ-CP, thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Tỉnh Quảng Nam phải đoàn kết, thống nhất để tạo nên nguồn lực vô cùng quý giá trong quá trình phát triển; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tinh hoa của xứ Quảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, đơn giản các thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, công chức; chống tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam phải tập trung vào công tác quy hoạch của năm 2022, xem đây là nhiệm vụ trọng điểm; khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng trong quý III/2022. Về công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Quảng Nam phải tăng cường tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên theo tiến độ đề ra; chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 5-12 tuổi. Bên cạnh nguồn lực của Trung ương, của Nhà nước, Quảng Nam phải huy động thêm nguồn lực xã hội, của doanh nghiệp, của người dân bằng nhiều hình thức để phát triển KT-XH; không trông chờ, ỷ lại. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.