Sáng 22/4, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Anh Tuấn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy việc giao doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện một số công việc theo Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, Bộ TT&TT, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị để thúc đẩy việc chuyển giao số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua hệ thống bưu điện.
Bộ TT&TT giao Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cung cấp dịch vụ bưu chính công ích cũng như triển khai phương án làm việc với các tỉnh/ thành phố để triển khai các nhiệm vụ của Quyết định 468/QĐ-TTg (viết tắt là Quyết định 468).
Để thực hiện tốt các quy định tại Quyết định 468, các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt việc đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử qua hai sàn là Postmart, Vỏ Sò cũng như Triển khai địa chỉ số gắn với bản đồ số.
Các Sở TT&TT phối hợp với Bưu điện các tỉnh/ thành phố tham mưu với lãnh đạo tỉnh vềphương án, kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ của Quyết định 468 trong thời gian tới, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Quyết định 468 có nội dung đáng chú ý là tại bộ phận Một cửa sẽ gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả với quá trình tiếp nhận xử lý thủ tục hành chính; mở rộng việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như đem lại sự thuận tiện và các lợi ích thiết thực cho người dân, các địa phương được phép chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện.
Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định 468 là gắn số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính qua đó góp phần hình thành dữ liệu sống, sạch, chính xác, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, chuyển đổi số tại bộ phận một cửa, tiến tới thực hiện các chủ trương về công dân số, doanh nghiệp số, xã hội số, kinh tế số.
Bên cạnh đó, Quyết định 468 cũng nêu rõ các yêu cầu về việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính và nâng cao hiệu quả, năng suất hoạt động của bộ phận một cửa thông qua việc thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận một, hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn tiếp nhận số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và đổi mới quản lý bộ phận một cửa.
Tại hội nghị, đại diện Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) cho biết, trong thời gian tới, phạm vi triển khai Quyết định 468 sẽ thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên trước mắt sẽ đẩy mạnh triển khai tại 18 địa phương: Đồng Tháp, Gia Lai, Phú Yên, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Kon Tum, Kiên Giang, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Hậu Giang, Sóc Trăng, Quảng Nam, Yên Bái, Quảng Ninh, Lào Cai.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số Sở TT&TT bày tỏ lo ngại về nguồn nhân lực của doanh nghiệp bưu chính công ích có đảm bảo để thực hiện các nhiệm vụ của nhân viên bộ phận một cửa hay không. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và hạ tầng của doanh nghiệp có đạt yêu cầu trong cung cấp dịch vụ tới đông đảo người dân và doanh nghiệp không.…
Trả lời các ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chuẩn bị các quy trình tiếp nhận công việc, bố trí nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định 468.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Bưu điện các tỉnh, thành phố đã có cơ sở vật chất khang trang. Do đó, việc sắp xếp nguồn nhân lực phải được ưu tiên hàng đầu. Bưu điện Việt Nam phải khảo sát đánh giá, đào tạo, bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực thực hiện. Đồng thời, chuẩn bị các phương án tiếp nhận, chuyển giao quy trình hoạt động cho các đơn vị ở địa phương.
Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào cho biết, Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được giao quản lý mạng bưu chính công ích, có mạng lưới giao dịch đến tận cấp xã, có nguồn nhân lực lớn, cần cù, trách nhiệm. Đặc biệt thời gian qua, Bưu điện Việt Nam đã và đang thực hiện một số dịch vụ công mang tính bảo mật cao nên có nhiều kinh nghiệm triển khai thành công việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đối với nguồn nhân lực tham gia vào các dịch vụ hành chính công đều phải đảm bảo tiêu chuẩn tốt nghiệp Đại học trở lên, có năng lực chuyên môn, có lý lịch bản thân và gia đình trong sạch, rõ ràng; có tác phong, thái độ giao tiếp cởi mở, thân thiện, đúng chuẩn mực; có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao. Căn cứ vào số lượng hồ sơ phát sinh tại từng bộ phận một cửa, Bưu điện Việt Nam sẽ bố trí số lượng nhân viên tham gia vào dịch vụ hành chính công hợp lý nhất trên cơ sở tinh gọn, hiệu quả, một nhân viên đảm nhận một số lĩnh vực nhưng không quá tải, đảm bảo quy định về thời gian chờ đợi của Quyết định 468.
Lãnh đạo Bưu điện Việt Nam cũng cho biết: “ Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị đào tạo uy tín như Học viện Hành chính quốc gia để tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản lý, nhân viên bưu điện thực hiện trực tiếp các công việc tại bộ phận một cửa. Nhân viên bưu điện tham gia vào bộ phận một cửa đều có chứng chỉ được phép tham giam thực hiện các yêu cầu của công việc.
Bên cạnh đó, hiện nay Bưu điện Việt Nam đã tổ chức khang trang cơ sở vật chất tại 100% Bưu điện cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo bố trí bộ phận một cửa đặt tại Bưu điện. Hơn 2.000 Bưu điện - Văn hóa xã cũng được nâng cấp lên mô hình hoạt động cấp thứ 4, đều có thể đảm nhiệm các dịch vụ hành chính công từ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính đến tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại địa chỉ người dân yêu cầu”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chỉ đạo các Sở TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam coi việc triển khai Quyết định 468 là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ trưởng cho biết, trong tuần tới, Bộ TT&TT xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính -Văn phòng Chính phủ, Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ về mẫu đề án để gửi các Sở làm căn cứ triển khai. Đề án sẽ tập trung vào một số nội dung: Xác định tối đa công việc chuyển giao; Quy trình hóa tất cả các công đoạn chuyển giao, từ đó xác định khối lượng công việc và chi phí; Xây dựng hệ thống kiểm tra giám sát và thực hiện kiểm tra định kỳ. Trên cơ sở đề án mẫu, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức khảo sát thực tế để xây dựng đề án cụ thể thực hiện tại từng địa phương.
Thứ trưởng đề nghị Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ chỉ đạo, thúc đẩy việc triển khai ở tại các địa phương.
Bưu điện Việt Nam phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia tổ chức các lớp đào tạo có chứng chỉ của Bộ Nội vụ cấp. Nội dung đào tạo phải được chuẩn hóa trên toàn quốc.