Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Thực hiện Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045

P.TH 13/07/2023 09:31

UBND huyện Nam Trà My vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 trên địa bàn.

Đầu tư, nâng cấp Trại nhân giống Sâm Ngọc Linh tại Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất giống, đạt 500.000 cây/năm vào năm 2030.

Mục tiêu của kế hoạch giúp xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, sớm ổn định và phát triển kinh tế trong nhân dân theo hướng hàng hóa tập trung có quy mô, quy hoạch và phát triển thành vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, đưa cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My; đồng thời bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, tiến tới bảo vệ cả một khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.

Phấn đấu đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen Sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 8.400 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng Sâm Ngọc Linh được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; sản lượng khai thác Sâm Ngọc Linh từ năm 2030 đạt khoảng 75 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 250ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP, WHO (thực hành tốt nuôi trồng và chế biến);

Đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP, WHO.

Xây dựng Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nam Trà My.

Đến năm 2045, phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh xuất khẩu Sâm lớn ra thế giới.

Theo đó, huyện Nam Trà My sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống Sâm Ngọc Linh; hình thành Trung tâm sản xuất giống Sâm Ngọc Linh quốc gia tại huyện Nam Trà My và ưu tiên phát triển giống tại Trại Sâm giống Tắk Ngo, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với khả năng cung ứng cây giống cho phát triển vùng nguyên liệu bình quân 250ha/năm.

Phát triển vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh với diện tích khoảng 8.400 ha đến năm 2030; thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Ngọc Linh bền vững theo chuỗi giá trị; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc Sâm Ngọc Linh, đảm bảo các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rỏ ràng, kịp thời đưa hệ thống máy móc kiểm định Sâm Ngọc Linh vào hoạt động trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Đến năm 2030, tất cả các sản phẩm được sản xuất ra, đều được đăng ký thương hiệu; tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng kết hợp với giới thiệu về văn hóa, truyền thống canh tác và sử dụng Sâm Ngọc Linh tại các xã trồng Sâm trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Đầu tư, nâng cấp Trại nhân giống Sâm Ngọc Linh tại Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất giống, đạt 500.000 cây/năm vào năm 2030; đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông để kết nối Trung tâm huyện với các vùng nguyên liệu Sâm.

Tổng kinh phí thực hiện là 1.800 tỷ đồng, trong đó: vốn Trung ương: 1.000 tỷ đồng, vốn địa phương: 300 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn khác: 500 tỷ đồng.

File đính kèm: Kế hoạch. 

 

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thực hiện Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO