Sáng ngày 31/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 5 Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Nam có đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ; các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cùng lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò của tổ công tác, hội đồng tư vấn và sự quyết tâm nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quyết định đăng ký tại 16 văn bản quy phạm pháp luật; phân cấp 108 thủ tục hành chính tại 21 văn bản quy phạm pháp luật; đơn giản hóa 247 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại 25 văn bản quy phạm pháp luật theo các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; 40 thủ tục hành chính nội bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa và 1.012 thủ tục hành chính nội bộ đã được các bộ, ngành, địa phương phê duyệt phương án đơn giản hóa theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có sự cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả nổi bật, tồn tại, hạn chế của công tác cải cách hành chính và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với quy định thủ tục hành chính, thực hiện tốt việc tham vấn, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các thủ tục hành chính được quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, khả thi, thực hiện trên môi trường điện tử và chi phí tuân thủ thấp nhất. Tập trung triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024. Đồng thời, rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên dịch vụ công quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trọng tâm.
Từng thành viên tổ công tác tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc hoặc phối hợp chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương được phân công, phụ trách. Chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân…