Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XX năm 2023, sáng nay 18/8, tại huyện Phước Sơn, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm kết nối phát triển du lịch miền núi Quảng Nam. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các sơ, ngành, UBND 9 huyện miền núi và hơn 20 doanh nghiệp du lịch, lữ hành khu vực miền trung.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam thông tin, nhiều chủ chủ trương, chính sách đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh đã được tập trung thực hiện. Nhờ đó, các sản phẩm du lịch đã được đầu tư và được du khách trong nước, nước ngoài đón nhận, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch khu vực miền núi, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đến Quảng Nam và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Một số điểm đến đã hình thành như Bhờ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang), làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn), làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, làng dệtZơra (Nam Giang), làng du lịchLàng Văn hóa Cao Sơn, Làng Mường (Bắc Trà My), Làng du lịch cộng đồng Mô Chai (Nam Trà My), Làng Văn hóa cộng đồng Ta Lang, Làng Pơ’ning (Tây Giang), Khu du lịch bảo tồn văn hóa Bhnong (Phước Sơn), Khu di tích Phước Trà (Hiệp Đức)... Tuy nhiên, du lịch miền núi Quảng Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ. So với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch miền núi Quảng Nam chưa thực sự được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch.
Lâu nay nói đến du lịch Quảng Nam người ta thường nhắc đến Hội An, Mỹ Sơn. Tuy nhiên, ở vùng tây xứ Quảng đang chứa đựng rất nhiều tiềm năng du lịch đa loại hình cần được khai phá để qua đó phát huy các bản sắc văn hóa đặc trưng, các sản vật và danh thắng thiên nhiên. Chính vì vậy, tọa đàm là dịp để tiếp nhận ý kiến đóng góp tích cực của các Sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh, cùng nhau thảo luận, tìm ra hướng đi cho du lịch miền núi Quảng Nam. Từ đó, từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, không còn tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm”, cùng nhau kết nối để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, hợp tác xã du lịch đã tham luận về các giải pháp phát triển du lịch bền vững ở khu vực miền núi Quảng Nam. Trong đo tập trung ưu tiên phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, sinh thái gắn với khai thác giá trị đời sống văn hóa tinh thần đồng bào thiểu số.
Thông qua Toạ đàm, các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm đến sẽ cùng nhau hợp tác phát triển du lịch với mục đích hỗ trợ và phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra các tour tuyến hoàn chỉnh góp phần tạo sự cạnh tranh với các vùng khác, thúc đẩy du lịch miền núi Quảng Nam phát triển một bài bản, hiệu quả, bền vững trong thời gian đến.
Cũng tại buổi tọa đàm đã diễn ra ký kết hợp tác phát triển giữa các địa phương; giữa UBND huyện Tây Giang và Công ty K’Lang trong phát triển du lịch.