(QNP) - Tại kỳ họp thứ 33, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình thay mặt UBND tỉnh trình bày các báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đạt nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu cả năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, với quy mô kinh tế đạt khoảng 64 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,2%, dịch vụ chiếm 36,9%, nông – lâm – thủy sản chiếm 16,2%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Ngành công nghiệp có sự phục hồi mạnh mẽ, giá trị tăng thêm đạt mức tăng 10,5%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định với mức tăng 3,2%.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 35.400 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục phục hồi ấn tượng, toàn tỉnh đón khoảng 4,61 triệu lượt khách tham quan, lưu trú, tăng 17%. Công tác thu ngân sách nhà nước đạt khá, với tổng thu ước đạt 13.200 tỷ đồng, đạt 52,8% dự toán năm, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 11.551 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt gần 1.650 tỷ đồng.
Đầu tư công có cải thiện đáng kể khi tổng giải ngân đạt 3.130 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024 (23,7%). Huy động vốn toàn xã hội đạt hơn 105.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 118.335 tỷ đồng, tăng 3,1%. Hoạt động đăng ký doanh nghiệp khởi sắc với 654 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 15,3%), tổng vốn đăng ký gần 4.442 tỷ đồng (tăng 35,2%). Ngoài ra, tỉnh đã thu hút thêm 21 dự án đầu tư trong nước và 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 96 triệu USD.
Trong lĩnh vực môi trường, tỉnh tập trung xử lý rác thải, kiểm soát ô nhiễm và quản lý khoáng sản hiệu quả hơn. Các hoạt động văn hóa – xã hội được tổ chức sôi nổi, nổi bật là chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương, 95 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 60 năm Chiến thắng Núi Thành và các lễ hội văn hóa - thể thao lớn. Giáo dục tiếp tục được đổi mới theo chương trình phổ thông 2018, chất lượng dạy và học được nâng cao, tổ chức thi tuyển sinh và kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo nghiêm túc, an toàn. Lĩnh vực y tế được tăng cường đầu tư và kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo.
Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số có bước tiến rõ nét. Tỉnh triển khai mạnh mẽ việc tinh giản bộ máy, chuẩn bị sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, đồng thời lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm nâng cao nhận thức số trong cộng đồng. Hoạt động thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tốt các đợt cao điểm bảo vệ sự kiện chính trị, lễ lớn, đảm bảo ổn định tình hình chung. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng, góp phần tăng cường hội nhập và thu hút đầu tư.
Tổng thể, bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Nam trong nửa đầu năm 2025 cho thấy xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu cả năm. Tuy nhiên, tỉnh cũng xác định rõ một số tồn tại như tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, một số dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu tiến độ. Những vấn đề này sẽ tiếp tục được tập trung tháo gỡ trong 6 tháng cuối năm nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 10% như kế hoạch đã đề ra.