Đó là sẻ chia của ông Nguyễn Phú Hà – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III trong Chương trình “Mùa xuân nhân ái 2023” diễn ra vào ngày 06/01/2023 tại Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức, Quảng Nam với hy vọng sẽ mang đến cho những người già cô đơn, không nơi nương tựa tại nơi đây có được mùa Tết Quý Mão 2023 yêu thương và ấm áp hơn.
Đại diện các đơn vị tham gia Chương trình “Mùa xuân nhân ái 2023” chụp ảnh lưu niệm cùng với Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức.
Chương trình “Mùa xuân nhân ái” là hoạt động ý nghĩa được tổ chức thường niên. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, Chương trình được diễn ra. Tiếp nối thành công của những “Mùa xuân nhân ái” trước, với hơn 60 triệu đồng quyên góp được từ các cán bộ công chức và người lao động của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III (VTĐ) cùng các đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) tại Thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Kỹ thuật khu vực II – Tổng Công ty Mạng lưới Viettel, sáng ngày 06/01/2023, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Trung tâm Tần số VTĐ khu vực III phối hợp với các đơn vị đã mang “mùa xuân nhân ái” đến với các cụ có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa tại Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức thông qua nhiều phần quà Tết cùng với các nhu yếu phẩm, như: 15 bao gạo, 15 thùng mỳ tôm, 20 thùng cháo, 15 thùng phở, 15 lon cá hộp, 10 thùng sữa tươi, 05 thùng nước yến, 45 gói ngũ cốc dinh dưỡng, 71 hồng bao lì xì năm mới,… và nhiều đồ dùng cá nhân khác.
Những món quà tuy nhỏ bé nhưng mang nhiều ý nghĩa, gửi gắm mong muốn giúp đỡ phần nào cho những người già cô đơn không nơi nương tựa có thể khỏe mạnh về thể chất, vui vẻ về tinh thần, gắn bó quãng đời còn lại tại Trung tâm Dưỡng lão; cùng đoàn kết, yêu thương, giúp nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích. “Đây là hoạt động từ thiện thường niên của Đoàn vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Hy vọng những món quà tuy nhỏ bé nhưng góp phần giúp cho cái Tết ấm áp hơn, giúp cho các cụ tại Trung tâm Dưỡng lão đón một cái Tết ý nghĩa hơn, đủ đầy hơn dưới mái nhà chung” – Ông Hoàng Xuân Hiếu, Trưởng Chi nhánh Trung tâm Internet Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, đại diện cho Đoàn thiện nguyện chia sẻ.
Bên cạnh những món quà trao tận tay đến các cụ, trong buổi thiện nguyện, nhiều lời ca, tiếng hát và các tiết mục văn nghệ, đọc thơ của Đoàn viên Thanh niên các đơn vị cũng như của chính các cụ ở Trung tâm Dưỡng lão đã tạo nên không khí ấm áp, rộn ràng, xóa tan tiết trời mưa lạnh ở huyện miền núi Hiệp Đức, Quảng Nam ngày hôm đó.
Cảm động trước tấm lòng chân thành và những việc làm ý nghĩa của Đoàn thiện nguyện, bà Trịnh Thị Lời - Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức đã cảm ơn Đoàn và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới tập thể CBCC-NLĐ của các đơn vị trong ngành TTTT, của doanh nghiệp viễn thông tại thành phố Đà Nẵng. “Đây là chương trình hết sức nhân văn, thể hiện sự sẻ chia, nghĩa cử cao đẹp, lá lành đùm lá rách vì cộng đồng của các đơn vị. Chúng tôi rất hạnh phúc và vui mừng khi có các nhà hảo tâm sẻ chia, giúp đỡ Trung tâm, mang đến những món quà ý nghĩa dịp cuối năm. Ở đây, mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả các cụ đều là những người kém may mắn, cần được cưu mang, giúp đỡ”.
Bà Trịnh Thị Lời cũng gửi lời chúc tốt đẹp đến toàn thể Lãnh đạo và CBCNV ngành TTTT, sang năm mới sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao và bày tỏ mong muốn các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng như Chương trình “Mùa xuân nhân ái” được duy trì, phát triển và ngày càng lan toả hơn nữa đến với các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Được biết, Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức nằm tại Thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, được xây dựng vào năm 2008 từ tiền cá nhân của vợ chồng bà giáo hưu Trịnh Thị Lời.
Huyện Hiệp Đức đã bố trí 3000m2 đất dưới chân núi Dương Bồ và hơn 80 triệu đồng để bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng xây dựng Trung tâm.
Ban đầu, Trung tâm được UBND huyện ban hành quyết định thành lập với tên gọi là Trung tâm Dưỡng lão và Đào tạo nghề cho người khuyết tật huyện Hiệp Đức.
Đến ngày 06/01/2014, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Dưỡng lão theo Quyết định số 01/QĐ-UBND của UBND huyện cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Lúc mới xây dựng, Trung tâm chỉ có 09 phòng và tiếp nhận 11 cụ già neo đơn tại Hiệp Đức để phụng dưỡng và 26 trẻ em khuyết tật câm điếc để dạy chữ, dạy nghề. Được sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, thiện nguyện giúp đỡ, đến nay Trung tâm đã có hơn 20 phòng ở, có nhà tập thể dục, phục hồi chức năng, nhà bếp, sân bãi sạch sẽ,... và đang nuôi dưỡng 71 cụ già neo đơn.
Các cụ già ở đây được nuôi dưỡng, sinh hoạt, chăm sóc; đến lúc các cụ mất sẽ được Trung tâm an táng và thờ tại bàn thờ chung của Trung tâm.
Kinh phí hoạt động của Trung tâm chủ yếu dựa vào việc kinh doanh của gia đình bà Trịnh Thị Lời – Giám đốc Trung tâm và từ đóng góp của các mạnh thường quân