UBND tỉnh vừa ban hành công văn yêu cầu Vườn quốc gia: Sông Thanh và Bạch Mã; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng.
Năm 2022, công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả đáng khích lệ, các địa phương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị, chủ rừng kịp thời tổ chức phối hợp rà soát, xác minh, đảm bảo tiến độ cập nhật, tham mưu công bố số liệu hiện trạng rừng theo quy định, diện tích rừng, độ che phủ rừng toàn tỉnh tăng so với năm 2021. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng như: Thời gian công bố chậm (sau 30/01 hàng năm); cập nhật không đầy đủ các biến động trong năm; diện tích rừng tự nhiên biến động giảm do một số nguyên nhân không có trong phần mềm theo dõi diễn biến rừng (FRMS): diện tích nương rẫy sản xuất của người dân, diện tích rừng trồng trên thực địa chồng lấn với rừng tự nhiên trên dữ liệu và các đơn vị, địa phương đã tiến hành rà soát thực tế đưa vào nguyên nhân khác.
Thực hiện Công văn số 4392/BNN-KL ngày 05/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (có gửi kèm theo) về việc triển khai theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng; đồng thời, để tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/TTBNNPTNT ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Đối với địa phương có diện tích biến động giảm rừng tự nhiên trong năm 2022: Chỉ đạo UBND cấp xã và chủ rừng phối hợp Hạt Kiểm lâm hoàn thiện hồ sơ biến động rừng, xác lập hồ sơ, điều tra xác minh đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong công tác quản lý tài nguyên rừng, cập nhật, theo dõi diễn biến rừng, để mất rừng tự nhiên.
Chỉ đạo UBND cấp xã, chủ rừng thực hiện rà soát, kiểm tra, chuẩn hóa dữ liệu để phù hợp giữa hồ sơ quản lý, bản đồ và thực địa; làm rõ nguyên nhân đối với những lô rừng biến động giảm; đồng thời, rà soát những diện tích rừng tự nhiên tăng do diễn thế tự nhiên; rừng tự nhiên đang khoanh nuôi trồng bổ sung; rừng trồng thành rừng trên các diện tích trồng rừng thay thế; rừng trồng theo các chương trình, dự án; rừng trồng của tổ chức,cá nhân, hộ gia đình... để cập nhật diễn biến rừng. Đơn vị, địa phương nào để giảm diện tích rừng tự nhiên trong năm 2023 thì phải giải trình (chi tiết từng lô) và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Thực hiện theo dõi diễn biến rừng: Thu thập thông tin, báo cáo biến động, cập nhật diễn biến rừng, phê duyệt và công bố kết quả theo dõi diễn biến rừng theo đúng quy định tại Điều 33 Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; xác lập, lưu trữ đầy đủ hồ sơ, thành quả theo dõi diễn biến rừng (bao gồm bản đồ, biểu tổng hợp dạng giấy và dạng số); ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát biến động rừng, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo biến động rừng của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ http://canhbaomatrung.kiemlam.org.vn/ và trên hệ thống Quản lý, giám sát tài nguyên rừng của tỉnh https://quanlyrung.quangnam.gov.vn/, để kịp thời phát hiện các vị trí biến động rừng tại địa phương.