UBND tỉnh vừa ban hành công văn đề nghị các Sở, ngành, địa phương triển khai và tổ chức đánh giá, chấm điểm Bộ Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Quảng Nam năm 2022 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động nghiên cứu Bộ Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và dự thảo hướng dẫn chấm điểm ban hành kèm theo Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ Nội vụ để rà soát, đánh giá tổng thể kết quả công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 đối với từng nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần; nêu rõ được các tiêu chí chưa đạt điểm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, cụ thể như sau:
Sở Nội vụ: Báo cáo đánh giá các nội dung triển khai, ước đạt điểm trong các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Chỉ số cải cách hành chính theo chức năng, nhiệm vụ (Tiêu chí 1.1 đến 1.5; tiêu chí 4.1 đến 4.3; tiêu chí 5.1 đến 5.6).
Sở Tư pháp: Báo cáo đánh giá các nội dung theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần ước điểm đạt được tiêu chí 2.1 đến 2.3.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: Báo cáo đánh giá các nội dung theo tiêu chí, tiêu chí thành phần, ước điểm đạt được trong các tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (Tiêu chí 1.7; Tiêu chí 3.1 đến 3.5).
Sở Tài chính: Báo cáo đánh giá kết quả cải cách tài chính công thông qua các số liệu minh chứng cụ thể trong từng tiêu chí đánh giá (Tiêu chí 6.1 đến 6.3; Tiêu chí 8.4).
Sở Thông tin và Truyền thông: Báo cáo đánh giá về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số thông qua minh chứng các số liệu cụ thể từng tiêu chí đánh giá (Tiêu chí 7.1 đến 7.3).
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo đánh giá về đối thoại của lãnh đạo tỉnh 2 với người dân, doanh nghiệp, các tiêu chí phát triển kinh tế-xã hội thông qua các tiêu chí, tiêu chí thành phần thực hiện đánh giá (Tiêu chí 1.6; Tiêu chí 8.2, 8.3, 8.5).
Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo, đánh giá kết quả cụ thể các tiêu chí do đơn vị chủ trì triển khai, có số liệu minh chứng cụ thể, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục; gửi về Sở Nội vụ trước ngày 10/12/2022 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 16/12/2022.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác cải cách hành chính, cụ thể: (i) Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; (ii) Chỉ thị 30-CT/TU, ngày 17/11/2022 của của Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ; (iii) Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 04/10/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; (iv) Đề án cải thiện và nâng cao vị thứ xếp hạng đối với Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025… Khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản có liên quan để hoàn thiện các quy định, quy chế, phân công, phân cấp cụ thể các nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan thẩm định kinh phí thực hiện các nội dung của Bộ Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện và tham mưu việc tổ chức tự chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, báo cáo Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo thời gian quy định.
File đính kèm: Công văn.