Sáng 27/8, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Quảng Nam qua tài liệu lưu trữ Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới”.
Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Với những giá trị về nội dung, tính độc đáo về hình thức chế tác, chất liệu mang tin... Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Những dấu mốc lịch sử hình thành và quá trình phát triển của Quảng Nam xưa được khắc trong khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Đi suốt chiều dài lịch sử dưới thời các vua nhà Nguyễn, Quảng Nam là vị trí chiến lược quan trọng, có những đóng góp lớn lao cho công cuộc mở cõi của đất nước. Nhân dân Quảng Nam dù liên tiếp trải qua nạn binh đao nhưng lúc nào cũng thể hiện tinh thần hiếu học, điều này đã được minh chứng dưới Triều Nguyễn từ vua Gia Long đến vua Khải Định. Triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức hàng trăm khoa thi Hương, thi Hội và thi Đình. Nho sinh Quảng Nam đã tham dự và có kết quả rất cao.
Sự kiện này không chỉ giới thiệu những dấu mốc lịch sử và quá trình phát triển của Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn, mà còn trưng bày các tài liệu và kỷ vật liên quan đến cán bộ đi B và sự thành lập các cơ quan sau khi tái lập tỉnh Quảng Nam.
Trưng bày diễn ra trong 3 ngày từ 27 đến 29/8.