Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Từ ngày 01/9/2022, tổ chức, cá nhân làm từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ

28/07/2022 00:00

Đó là nội dung được nêu tại Thông tư số 41/2022/TT-BTC ngày 05/7/2022 của Bộ Tài chính (Thông tư 41) hướng dẫn thực hiện công tác kế toán đối với các hoạt động xã hội, từ thiện của tổ chức, cơ quan, đơn vị và việc ghi sổ, lập báo cáo đối với hoạt động xã hội của cá nhân theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Đây là động thái của cơ quan chức năng, nhằm đưa hoạt động xã hội, từ thiện đi vào “nề nếp” để việc làm thiện nguyện được minh bạch, trong sáng tránh tình trạng “lùm xùm” như trước đây của một vài trường hợp xôn xao dư luận.

Về nguyên tắc, Thông tư 41 nêu rõ: “Tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư 41 này và pháp luật có liên quan”

Thông tư còn quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện phải mở sổ kế toán, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh liên quan đến đơn vị kế toán và bảo quản, lưu trữ sổ kế toán theo quy định. Mỗi đơn vị chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.

Đồng thời, Thông tư 41 cũng quy định rõ về chứng từ kế toán, để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Theo đó, mẫu chứng từ tự thiết kế phải đáp ứng tói thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật Kế toán. Đối với các khoản chi hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng nhận tài trợ (chi tiền mặt, phân phối hàng hóa, hiện vật) thì chứng từ làm căn cứ ghi chi (hoặc bảng kê đính kèm) phải có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện được giao kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng.

Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích. Hàng năm hoặc định kỳ phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện của đơn vị trong năm theo quy định tại Thông tư này; thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính chung của đơn vị rõ ràng và minh bạch.

Theo Thông tư số 41/2022/TT-BTC, việc ghi sổ kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán, mọi số liệu ghi trên sổ kế toán phải có chứng từ kế toán hợp lệ, hợp pháp chứng minh. Trường hợp ghi sổ kế toán thủ công, phải dùng mực không phai, không dùng mực đỏ để ghi sổ kế toán (trừ bút toán điều chỉnh). Phải thực hiện theo trình tự ghi chép và các mẫu sổ kế toán quy định tại Phụ lục số 01.

Đối với khoản tiếp nhận từ các nhà tài trợ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện.  Trường hợp tiếp nhận bằng tiền thì cá nhân tiếp nhận tiền tài trợ phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng, không nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người tiếp nhận tiền tài trợ.

Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt, cá nhân tiếp nhận tài trợ có trách nhiệm bảo quản an toàn tiền mặt nhận tài trợ, trường hợp chưa sử dụng gửi vào tài khoản được mở riêng cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng. Nếu tiếp nhận tài trợ bằng ngoại tệ, cá nhân tiếp nhận bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và quản lý, sử dụng tiền Việt Nam để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện. Lãi tiền gửi ngân hàng sau khi trừ chi phí thanh toán được bổ sung tăng nguồn tài trợ.

Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, tùy theo kho, bãi, khả năng bảo quản, vận chuyển, cá nhân người vận động phải chịu trách nhiệm bảo quản an toàn và phân phối kịp thời số hiện vật đến địa chỉ cần hỗ trợ; mở sổ ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ (ngày nhận, tên và địa chỉ người đóng góp, loại hiện vật) theo mẫu 03 của Thông tư 41.

Thông tư số 41/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2022. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện, có tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được tiếp tục thực hiện chế độ kế toán đang áp dụng đến hết năm tài chính 2022. Từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp áp dụng Thông tư số 103/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 của Bộ Tài chính đến hết năm tài chính 2022, từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư 41 này.

Ngoài ra, Thông tư 41 còn quy định hoạt động xã hội, từ thiện phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác kế toán của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kế toán./.

Văn Dũng

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ ngày 01/9/2022, tổ chức, cá nhân làm từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO