Sáng nay 8/9, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Quốc hội do ông Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc Hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan phục vụ thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Dự buổi làm việc về phía Trung ương có ông Phạm Đức Long- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Về phía tỉnh Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước, cùng đại diện các Sở, ngành và đơn vị có liên quan.
Theo ông Nguyễn Phương Tuấn- Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, chuyến khảo sát thực tế và làm việc tại Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành cả nước nói chung sẽ giúp đoàn nắm bắt tình hình thực tế, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật viễn thông 2009, qua đó làm cơ sở để Quốc hội hoàn thiện Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) và ban hành một cách có hiệu quả trong thời gian tới, đồng thời tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh viễn thông phát triển đồng bộ hạ tầng viễn thông phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của từng địa phương.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 05 doanh nghiệp viễn thông, gồm: Viettel Quảng Nam, Mobifone tỉnh Quảng Nam, Viễn thông Quảng Nam, Trung tâm thông tin di động Toàn cầu (Gtel); Trung tâm Di động khu vực 2 Vietnamobile; 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực internet, gồm: Viettel Quảng Nam, Viễn thông Quảng Nam, FPT Quảng Nam, Chi nhánh SCTV Quảng Nam.
Toàn tỉnh hiện có gần 1,43 triệu thuê bao điện thoại, số thuê bao internet băng rộng là hơn 931 nghìn thuê bao. Tỉ lệ thuê bao điện thoại thông minh đạt 76,8%. Ngoài ra, toàn tỉnh phát triển được 2.112 trạm BTS, đường truyền cáp quang đã kéo đến 100% cấp xã 100%, 96,5% cấp thôn; sóng thông tin di động 3G, 4G đã phủ sóng cấp xã 100%, cấp thôn 94,8%. 81,8% nhà văn hóa thôn có wifi; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai Kế hoạch chỉnh trang, ngầm hóa mạng cáp.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11.521/37.821 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất; 1.100 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định mặt đất.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự của tỉnh đã tập trung kiến nghị với Đoàn công tác về việc tiếp tục duy trì Quỹ viễn thông công ích nhằm hỗ trợ các địa bàn, khu vực tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn triển khai hạ tầng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G đến địa bàn cấp thôn để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trở thành hạ tầng của nền kinh tế - xã hội phục vụ chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tiếp thu những ý kiến góp ý của Đoàn công tác để tiếp tục chỉ đạo tập trung cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, ưu tiên triển khai thực hiện Chương trình Viễn thông công ích đến các đối tượng được hưởng hỗ trợ và phát triển hạ tầng viễn thông đến khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, qua đó nhằm từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, phục vụ cho đời sống nhân dân.
Tại đây, ông Bửu bày tỏ sự mong muốn các Bộ, ban, ngành của Trung ương, nhất là Bộ Thông tin- Truyền thông trong việc hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, cũng như của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Trưởng đoàn công tác Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo tham gia góp ý vào Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) của UBND tỉnh. Đồng thời, thống nhất với các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh, các Sở, ngành và đơn vị có liên quan để tổng hợp trình Quốc hội xem xét bổ sung chính sách về viễn thông trong thời gian tới./.