Sáng nay 12/4, Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu và vận dụng các quan điểm trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam”.
Các đồng chí: Phan Việt Cường- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; PGS.TS Đoàn Triệu Long- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa- Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III đồng chủ trì hội thảo.
Cùng sự tham dự của đồng chí Lê Trí Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Xuân Ca- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy- HĐND-UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Việt Cường- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, hội thảo khoa học lần này là dịp để Quảng Nam nghiên cứu, luận giải những giá trị khoa học và tính thời sự trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó vận dụng xây dựng luận cứ khoa học nhằm hoạch định chủ trương, đề ra nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến.
Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết vào dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021). Đây là bài viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phản ánh tư tưởng, lý luận và định hướng thực tiễn, có tác động to lớn, sâu rộng đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và hành động của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ, Nhân dân ta đã lựa chọn.
Bài viết dù đặt tiêu đề rất khiêm tốn là “một số vấn đề” nhưng nội dung bên trong đã đề cập những vấn đề rất rộng lớn, rất cơ bản và rất sâu sắc ở tầm tư tưởng lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Với ngôn ngữ giàu hình ảnh, gần gũi, dễ hiểu,cách trình bày chắt lọc, lấy tổng kết thực tiễn để chứng minh, thuyết phục, cuốn sách đã thể hiện tầm cao lý luận, có sức cảm hóa, lan tỏa đặc biệt trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; làm sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội về chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại... Các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đón nhận, hưởng ứng, cụ thể hóa thành chương trình hành động và quyết tâm thực hiện.
Trong tiến trình phát triển của dân tộc, Quảng Nam là vùng đất được lịch sử ghi nhận trên con đường khai mở về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt. Trải qua bao thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử, với nền tảng văn hóa truyền thống của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” làm điểm tựa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn chủ động, sáng tạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và ra sức thi đua xây dựng, phát triển quê hương đạt nhiều thành tựu to lớn.
Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay (1997), từ một tỉnh thuần nông, chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Với quyết tâm đổi mới, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, có bước chuyển cơ bản, rõ nét về cơ cấu kinh tế, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ.
Đặc biệt, Khu kinh tế mở Chu Lai được xây dựng thành công, đã hiện thực hóa khát vọng vươn lên, xác lập vị thế của Quảng Nam trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngành du lịch đã khai thác tốt lợi thế, tiềm năng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển đáng kể, hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước được cải thiện, đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo các vùng, miền trong tỉnh.
Các giá trị văn hóa bản địa, truyền thống được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy, nhất là 02 Di sản văn hóa thế giới: Khu đền tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An; văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế... có sự chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế được tăng cường.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn và lớn mạnh. Từ một Đảng bộ với chỉ hơn 70 đảng viên khi mới thành lập năm 1930, đến cuối năm 2022, đã có 1.150 tổ chức cơ sở đảng với 71.319 đảng viên. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có sự chuyển biến tích cực. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng lên….
Những thành quả trên là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra.
“Với tinh thần khách quan, khoa học, tâm huyết, trách nhiệm, chúng tôi rất mong các nhà khoa học, các đồng chí đại biểu với kết quả nghiên cứu của bản thân và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cùng trao đổi, thảo luận để làm sâu sắc hơn nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh có cơ sở khoa học để vận dụng sáng tạo lý luận vào việc xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong thời gian đến” đồng chí Phan Việt Cường, nhấn mạnh.