Chiều ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Đồng chủ trì hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Đại tướng Tô Lâm – Bộ Trưởng Bộ Công an. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện các sở, ngành có liên quan.
[MỜI QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN THEO DÕI VIDEO]
Qua 2 năm (2022 & 2023) triển khai, Đề án 06 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Tổ công tác triển khai Đề án phát huy vai trò thường trực, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án theo lộ trình.
Đến nay, đã thực hiện 67/77 nhiệm vụ theo lộ trình Đề án; 200/216 nhiệm vụ thuộc các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với dịch vụ công trực tuyến, đã cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án. Về thanh toán không dùng tiền mặt, có 51/63 địa phương chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt cho 340.177 đối tượng được hưởng với số tiền hơn 674,3 tỷ đồng; 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trước 2 năm); 87.9% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ thu ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt đạt 99,84%...
Lĩnh vực phát triển công dân số đạt được kết quả tích cực. Đã cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc, duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Về kết nối, chia sẻ, tạo lập dữ liệu dùng chung, hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã kết nối với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
Tiếp nhận trên 1,3 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính và làm sạch dữ liệu, tiết kiệm trên 500 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương...
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố đã chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo ở từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện Đề án 06.
Trong đó có công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt quan góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi các mặt hoạt động.
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được quan tâm. Quá trình triển khai có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở trong tổ chức thực hiện…
Một số tồn tại, hạn chế cũng được thảo luận, phân tích tại hội nghị như: tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa vẫn còn thấp (9%); các quy trình nghiệp vụ trong thực hiện các thủ tục hành chính của các bộ, ngành vẫn phải xuất trình giấy tờ giấy, phải sao y, công chứng, một số Bộ ngành chưa hoàn thành số hoá dữ liệu gốc trong năm 2023, ảnh hưởng việc liên thông dữ liệu…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh chính đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Đề án 06, đặc biệt là vai trò của ngành công an trong thực hiện lộ trình của Đề án.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trong năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính. Bởi càng phát sinh thủ tục hành chính, càng bộc lộ cơ chế “xin – cho”, do đó, để giải quyết vấn đề này, cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Công tác truyền thông cũng cần đi vào thực chất, tránh tình trạng hình thức.
Phải xác định và tập trung chỉ đạo tháo gỡ các “điểm nghẽn” ở từng đơn vị, nhất là về hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn. Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm của chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng.
“Thứ nhất, tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào ra việc đấy. Thứ hai, sự chủ động, tích cực của các đồng chí đứng đầu là yếu tố mang tính quyết định. Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, giữa các bộ ngành, địa phương. Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, bởi đây là cơ sở dữ liệu để thực hiện Đề án” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.