Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Xây dựng Đề án Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025

Thanh Hùng 07/06/2023 10:08

Sở NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025.

Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng.

Tính cần thiết

Năm 2018 trở về trước, tỉnh Quảng Nam đã triển khai giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn theo các chương trình, dự án: Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ trướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các Công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định số 119/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ về mốt số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bễn vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020; Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; giao rừng cho cộng đồng dân cư theo dự án: BCC và KFW10, qua đó diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt và thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích của rừng trong việc cải thiện đáng kể sinh kế, ổn định an ninh, trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình, dự án khoán bảo vệ rừng nêu trên có lúc, có nơi vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập (đơn giá bảo vệ rừng thấp, một số nơi chưa thực sự lựa chọn người có đủ sức khỏe để bảo vệ rừng, chưa có chế tài ràng buộc, xử lý trách nhiệm của các nhóm hộ, cộng đồng nếu để xảy ra phá rừng trong diện tích nhận khoán,…). 

Từ thực tế trên, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 46/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2020 và Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, theo đó: hỗ trợ số tiền bảo vệ rừng tương ứng đạt mức 400.000 - 500.000 đồng/ha/năm và chuyển hình thức giao khoán bảo vệ rừng sang chủ rừng Hợp đồng Bảo vệ rừng; đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương sớm tổ chức, ổn định các cơ quan quản lý bảo vệ rừng để đi vào hoạt động có nề nếp.

Qua triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh giai đoạn 2019 - 2022, nhìn chung các lực lượng từ Kiểm lâm, Hợp đồng bảo vệ rừng, các Ban quản lý rừng đến các cơ quan chuyên môn liên quan đã vào cuộc tích cực hơn, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng được phân định rõ, ít chồng chéo, bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cơ bản đảm bảo để các chủ rừng, địa phương tiếp tục tổ chức bảo vệ diện tích rừng tự nhiên trong lưu vực thủy điện theo mô hình Hợp đồng bảo vệ rừng đang hoạt động hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như: Mức thu nhập của người bảo vệ rừng khi sử dụng nguồn ngân sách Trung ương để bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người lao động trong môi trường đặc thù (thường xuyên tuần tra và sống trong rừng, bảo vệ rừng phải đi tuần tra ở lại trong rừng từ 2-3 ngày/đợt, trong khi theo quy định thì mỗi hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg thực nhận tối đa 750.000 đồng/tháng (tương đương 9.000.000 đồng/năm)), vì vậy không thu hút được người dân tham gia bảo vệ rừng; có sự chênh lệch về đơn giá bảo vệ rừng quá lớn giữa diện tích trong lưu vực thủy điện (đơn giá thấp nhất năm 2022 là 718.000 đồng/ha/năm và ngoài lưu vực thủy điện thực hiện theo các chương trình, dự án của Trung ương hiện nay ở mức 450.000 đồng/ha/năm trở xuống). 

Để đảm bảo toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được tổ chức bảo vệ thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao trong giai đoạn tiếp theo, việc xây dựng Đề án Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 là rất cần thiết sau khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND, đồng thời đề xuất khắc phục những tồn tại, bất cập; có giải pháp tổ chức quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với từng địa phương, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế người dân phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần tích cực vào việc giải quyết lao động miền núi có công ăn việc làm ổn định, tăng cường an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương. 

Đề xuất mức hỗ trợ lên 600.000 đồng/ha/năm

Dự thảo Đề án Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 hướng đến mục tiêu hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của con người vào rừng tự nhiên,... đồng thời, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giữ vững trật tự, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Đối tượng áp dụng là các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; tổ chức, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh; UBND cấp xã có rừng tự nhiên.

Dự thảo đề xuất hỗ trợ đơn giá bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện đang thực hiện theo các chương trình, dự án của Trung ương hiện nay và diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện chưa thực hiện theo các chương trình, dự án để đảm bảo đạt mức 600.000 đồng/ha/năm (trừ diện tích đang thực hiện khoanh nuôi tái sinh tự nhiên).   

Cơ sở xác định mức hỗ trợ đạt 600.000 đồng/ha/năm là do: đơn giá bảo vệ rừng trong các lưu vực thủy điện hiện nay đang ở mức trên 600.000 (đơn giá DVMTR năm 2022 là 718.000 đồng/ha/năm), do đó việc hỗ trợ thêm đối với các khu vực ngoài lưu vực chi trả DVMTR có đơn giá thấp nhằm đảm bảo mức tương đồng bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; Mức thu nhập của người bảo vệ rừng khi sử dụng nguồn ngân sách trung ương để tổ chức khoán bảo vệ rừng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người lao động trong môi trường đặc thù (thường xuyên tuần tra và sống trong rừng, bảo vệ rừng phải đi tuần tra ở lại trong rừng từ 5-7 ngày/đợt, ít nhất 02 đợt/tháng), vì vậy không thu hút được người dân tham gia bảo vệ rừng; với mức hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương và hạn mức bảo vệ rừng của hộ gia đình cá nhân theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP thì người bảo vệ rừng chỉ đủ kinh phí tham gia tuần tra, kiểm tra rừng từ 1-2 ngày/tháng, vì vậy chưa đảm bảo tính hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng; tổng kinh phí đề xuất từ ngân sách tỉnh hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện theo dự thảo Đề án này ở mức 46 tỷ đồng/năm (theo Nghị quyết số 38, hàng năm tỉnh hỗ trợ 69,1 tỷ đồng/năm, kinh phí này được UBND tỉnh đưa vào kế hoạch vốn giai đoạn 2023-2025 và Sở Tài chính đã thống nhất cân đối ngân sách để thực hiện tại Công văn số 418/STC-DN ngày 17/02/2023). Như vậy, việc đề xuất hỗ trợ đơn giá bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện để đảm bảo đạt mức 600.000 đồng/ha/năm là phù hợp.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng Đề án Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO