Thông tin chỉ đạo điều hành

Xây dựng thí điểm Mô hình Tổ giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2025

THÚY HẰNG 26/06/2024 08:15

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng thí điểm Mô hình Tổ giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2025.

 

Ảnh minh họa.

Xây dựng Mô hình Tổ giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Trong giai đoạn 2024-2025, Quảng Nam phấn đấu có ít nhất 30% số xã/phường/thị trấn của các địa phương được chọn xây dựng thí điểm mô hình Tổ giám sát cộng đồng. Trong đó, năm 2024 thực hiện 10%; năm 2025 thực hiện 20%. 

Các huyện, thị xã, thành phố chọn xây dựng thí điểm mô hình Tổ giám sát cộng đồng gồm: Nam Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc, Phú Ninh, Bắc Trà My, Nam Trà My, Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An mỗi địa phương chọn 30% số xã/phường/thị trấn để thành lập Tổ giám sát cộng đồng. Các xã/phường/thị trấn được chọn xây dựng thí điểm mô hình Tổ giám sát cộng đồng, chọn 30% số thôn, khối phố… để thành lập Tổ giám sát cộng đồng.

Thành phần tham gia Tổ giám sát cộng đồng tại các thôn/khối phố là những người đang tham gia công tác thôn/khối phố, số lượng tối thiểu 03 người, do đồng chí Trưởng thôn/khối phố là tổ trưởng, thành viên là Chi hội trưởng của các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn/khối phố như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ … Tổ giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cấp thôn thuộc sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã. Địa điểm, phương tiện làm việc của Tổ giám sát cộng đồng: UBND cấp xã, Ban dân chính thôn/tổ dân phố tạo điều kiện về địa điểm và các phương tiện làm việc phù hợp cho Tổ giám sát cộng đồng ổn định, lâu dài.

Tổ giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản hoạt động dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách về những hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại thôn/khối phố. Các thành viên tổ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có trách nhiệm giúp tổ trưởng triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ và chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công. Tổ trưởng trực tiếp quản lý điều hành, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp xã.

Tổ giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cấp thôn có nhiệm vụ xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ để thực hiện nhiệm vụ được giao; kế hoạch hoạt động hằng năm. Tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo dõi, thống kê, cập nhật thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản tại địa bàn. Giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản quy định tại phụ lục II, Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 23/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam. Tiếp nhận thông tin, phát hiện, cung cấp thông tin, phản ánh và kiến nghị kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho Chủ tịch UBND cấp xã. Kịp thời phát hiện các gương điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm để đề xuất cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng. Tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng thí điểm Mô hình Tổ giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2025
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO