Phòng, chống thiên tai

Chia sẻ kinh nghiệm vận hành liên hồ chứa qua cơn bão số 3 (Yagi)

HUỲNH DIỄM 31/10/2024 10:12

(QNP) - Ngày 29/10, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo “Thực tiễn và thách thức trong vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng qua cơn bão số 3”. TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn và đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực an toàn đập và phòng chống thiên tai.

Nhiều công trình, nhà ở, cây cối... tại thành phố Hải Phòng bị hư hỏng do bão Yagi. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề các tỉnh phía Bắc.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đồng bằng sông Hồng vừa trải qua cơn bão số 3 (Yagi) với tổn thất lớn về người và tài sản, thiệt hại trên 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở miền núi phía Bắc, lũ quét, sạt lở đất và đe dọa an toàn hồ chứa.

Sau cơn bão số 3(Yagi) xảy ra, ngày 17/9/2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết số 143/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Trong đó có nội dung "rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ nước trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tình huống bất thường, khẩn cấp tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ để kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp với Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) tổ chức Hội thảo này. Hội thảo nhằm tập hợp những ý kiến chia sẻ của những người trực tiếp đối diện và trải nghiệm sự kiện hiểm nghèo vừa qua; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhìn nhận đánh giá sự kiện từ góc độ phân tích về thể chế, kỹ thuật, … để từ đó có những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024.

Tại Hội thảo, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo về việc công tác vận hành các hồ chứa thủy điện thời điểm mưa bão số 3, cụ thể là chia sẻ công tác vận hành thủy điện Thác Bà; các chuyên gia đã báo cáo, đánh giá nhanh tình trạng ngập lụt các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ do cơn bão số 3 Yagi thông qua việc sử dụng bản đồ viễn thám; chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt; phân tích một số đặc điểm liên quan đến vận hành hệ thống hồ chứa và đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng;…

Chia sẻ nội dung liên quan đến vận hành hệ thống hồ chứa và đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng, PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, việc vận hành hệ thống các hồ chứa đa mục tiêu trên hệ thống sông Hồng là bài toán rất phức tạp bởi phụ thuộc vào nhiều số liệu đầu vào, đồng thời lại chịu sự chi phối bởi nhiều điều kiện ràng buộc cũng như là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và hiện tượng thời tiết dị thường xuất hiện không theo quy luật là mối đe dọa thường xuyên, trực tiếp đến công tác vận hành an toàn các công trình thủy điện và vai trò chống lũ cho khu vực hạ lưu hồ chứa.

Kiến nghị về giải pháp , PGS.TS Nguyễn Mai Đăng đề xuất sửa đổi quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng để đảm bảo vận hành linh hoạt hơn, góp phần phòng lũ hạ du hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Mai Đăng kiến nghị tập trung nghiên cứu phân cấp lại các cấp báo động lũ, quy định lại mực nước trước lũ (đón lũ) linh hoạt hơn… góp phần vận hành hệ thống an toàn, đảm bảo an ninh nguồn nước cho lưu vực và cho quốc gia.

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chia sẻ kinh nghiệm vận hành liên hồ chứa qua cơn bão số 3 (Yagi)
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO