Phòng, chống thiên tai

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng người dân lên trên hết, trước hết trước cơn bão Trà Mi

THANH THÚY 24/10/2024 09:46

(QNP) - Chiều ngày 23/10/2024, tại UBND tỉnh, đồng chí Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác triển khai ứng phó với bão TRAMI.

dsc09877.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Cùng dự tại điểm cầu của tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Cơ quan Thường trực TKCN trên sông và đất liền, Cơ quan Thường trực TKCN trên biển và hải đảo; tại điểm cầu các địa phương (cấp huyện, cấp xã) có đại diện lãnh đạo UBND, các thành viên và Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố.

Sau khi nghe Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh báo cáo nhận định về bão, mưa lớn; tình hình công tác triển khai ứng phó; công tác kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão TRAMI; ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửuvà ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự họp, đồng chí Lê Văn Dũng kết luận:

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, bão TRAMI là cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, khó lường. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của bão; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão TRAMI với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, không để bị động, bất ngờ; tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 22/10/2024 và một số nội dung công việc sau:

1. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra phương châm 4 tại chỗ theo Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro của các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo sát đúng với thực tế, với phương thức tự kiểm tra, cấp trên kiểm tra cấp dưới; trường hợp chưa đảm bảo thì kịp thời điều chỉnh, bổ sung. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố; các Sở, Ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn quản lý, tổ chức rà soát, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lũ theo Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro đã được phê duyệt. Tuyên truyền, sẵn sàng lực lượng phương tiện, chủ động hỗ trợ Nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn kiểm tra, tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, chằng néo và có các biện pháp bảo vệ trụ ăng ten, biển hiệu quảng cáo… đảm bảo an toàn; khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại. Chủ động chặt tỉa cây xanh đường phố, phát dọn hành lang tuyến đường dây điện trong khu vực nội thị, thị trấn, trung tâm hành chính, bệnh viện, nhà máy nước…; thông báo, tuyên truyền cho Nhân dân tự kiểm tra hệ thống điện, chủ động chặt tỉa cây xanh xung quanh nhà… để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, trụ ăng ten, biển hiệu quảng cáo, tháp vận hành, biển hiệu quảng cáo.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển:

- Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; tổ chức rà soát, kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền tại khu neo đậu.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động quyết định theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất cấm biển để đảm bảo an toàn.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động triển khai lực lượng, phương tiện; hỗ trợ, giúp các địa phương thực hiện công tác chằng chống nhà cửa, trụ sở..., sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông, Công ty Điện lực Quảng Nam rà soát, chủ động phương án đảm bảo thông tin liên lạc, điện phục vụ chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lớn.

6. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, thủy lợi và các công trình thuộc phạm vi quản lý.

7. Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương liên quan yêu cầu chủ doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến của bão, chủ động chằng chống cơ sở vật chất nhà xưởng, có phương án sản xuất hợp lý; cho công nhân và người lao động nghỉ việc tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ để bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng công nhân và người lao động trong doanh nghiệp.

8. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế của bão, mưa lũ chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

9. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm thông báo cho các đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước biết thông tin về tình hình bão, mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp, phương án kỹ thuật an toàn đối với công trình hồ chứa nước đang thi công; tổ chức neo giằng, hạ tháp, đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, vận thăng, thang máy.

10. Cổng Thông tin điện tử Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam và Đài Truyền thanh các địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền để người dân nắm được thông tin về diễn biến bão, mưa lũ; công tác chỉ huy ứng phó của các cơ quan có thẩm quyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

11. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, tổ chức vận hành, thông báo, thông tin công tác vận hành hồ đến vùng hạ du đảm bảo quy trình được ban hành; thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.

12. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu đề xuất mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai (trong đó có thiết bị điện thoại vệ tinh phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra). Trước mắt, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Viễn thông Quảng Nam nghiên cứu, trang bị cho Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thiết bị điện thoại vệ tinh để phục vụ chỉ đạo ứng phó với bão TRAMI và thiên tai năm 2024.

13. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh được phân công theo dõi các địa phương, có trách nhiệm chủ động sử dụng lực lượng, phương tiện của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão TRAMI; kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

14. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng người dân lên trên hết, trước hết trước cơn bão Trà Mi
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO