(QNP) - Chiều 25/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2022-2024) và triển khai nhiệm vụ năm 2025 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn dự, phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) tỉnh Quảng Nam có 10 huyện với 70 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi thụ hưởng. Trong đó có 58 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 9 xã khu vực I, với 230 thôn đặc biệt khó khăn.
Theo báo cáo, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong 3 năm qua là gần 2.400 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương gần 2.000 tỷ đồng, vốn địa phương gần 280 tỷ đồng, vốn vay gần 115 tỷ đồng. Tính đến 30/11 đã giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng (đạt 60%), trong đó vốn đầu tư phát triển đạt 78%, vốn sự nghiệp đạt 39%.
Qua 3 năm triển khai tổ chức thực hiện 23 nhóm chỉ tiêu trọng tâm của 10 dự án thuộc Chương trình, có 19/23 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, nổi bật là giảm 9,7% tỷ lệ hộ nghèo (kế hoạch 3%); bê tông hóa đường giao thông từ xã đến trung tâm huyện; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề với nhu cầu và đặc thù của vùng; tỷ lệ học sinh các cấp đến trường; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế…
Các chỉ tiêu không đạt gồm: số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (4/28); số thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (0/10); thu nhập bình quân đầu người/năm chỉ đạt 24,5 triệu (kế hoạch 40 triệu); tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp...
Ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đánh giá, Chương trình đã đạt được một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, huyện đề ra; đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên.
"Chương trình từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống" - ông Diêu nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, đặc biệt là lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ý thức, năng lực của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi của tỉnh.
"Với nguồn lực đầu tư lớn từ các chương trình đã tạo ra cơ hội để miền núi thay da đổi thịt, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống sinh kế, đầu tư phát triển hạ tầng, kể cả năng lực trong công tác quản lý lãnh đạo của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn" - ông Trần Anh Tuấn nói.
Định hướng nhiệm vụ trong năm 2025 - năm cuối của giai đoạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các ngành, địa phương có kế hoạch thực hiện ngay từ đầu năm, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn trong những năm qua để triển khai thực hiện. Tuyệt đối không nêu lại các khó khăn, vướng mắc chủ quan.
Cùng với đó đẩy mạnh công tác giải ngân với tiến độ, mục tiêu cụ thể; phân bổ, điều chuyển nguồn vốn; rà soát những bất cập, kiện toàn củng cố bộ máy, tăng cường phối hợp giữa địa phương và các sở, ngành; thanh, quyết toán giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030...