(QNP) - Sáng 23/4, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 và chuẩn bị nội dung tham gia Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với hai dự thảo luật quan trọng gồm: Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Nhà giáo.
Hội nghị do Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước và đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì.
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc góp ý xây dựng luật, nhất là khi Quốc hội đang chuẩn bị thảo luận và thông qua nhiều dự án luật quan trọng tại kỳ họp tới. Trong đó, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật Nhà giáo là những văn bản có tác động trực tiếp đến tổ chức bộ máy hành chính và hệ thống giáo dục quốc dân.
Ông Dương Văn Phước khẳng định toàn bộ ý kiến tại hội nghị sẽ được tiếp thu, tổng hợp và làm cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia đóng góp chính thức tại diễn đàn Quốc hội.
Góp ý cho dự thảo Luật Cán bộ, công chức, nhiều đại biểu cho rằng bản sửa đổi lần này có nhiều thay đổi mang tính hệ thống, đặc biệt là các nội dung liên quan đến định nghĩa mới, phân loại vị trí việc làm và tổ chức bộ máy. Ông Lưu Tấn Lại – Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất cần có quy định rõ ràng hơn trong chính sách tuyển dụng công chức là người dân tộc thiểu số ở vùng núi, địa bàn khó khăn – nhóm đối tượng còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận việc làm công vụ. Ngoài ra, ông Lại cũng lưu ý về việc xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, cần phân biệt rõ giữa người giữ chức vụ và không giữ chức vụ trong quy định xử lý, tránh áp dụng máy móc hoặc thiếu công bằng.
Về dự thảo Luật Nhà giáo, ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT bày tỏ sự đồng thuận với nhiều nội dung của dự thảo, đồng thời kiến nghị điều chỉnh một số điều khoản về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, chế độ tập sự, thử việc. Ông cũng nhấn mạnh cần có quy định rõ ràng về dạy thêm, học thêm nhằm hạn chế tiêu cực nhưng vẫn đảm bảo linh hoạt cho các địa phương.
Ở dự thảo Luật Nhà giáo lần này, có quy định mới về chính sách bảo lưu chế độ ưu đãi với nhà giáo khi được điều động sang làm công chức. Hiện quy định chỉ bảo lưu phụ cấp ưu đãi nghề trong 12 tháng là quá thấp, trong khi trước đây là 36 tháng, khiến nhiều giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó không mặn mà với việc nhận nhiệm vụ mới vì bị cắt giảm phần lớn chế độ.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến cụ thể từ các sở, ngành như việc cần làm rõ thêm các khái niệm trong luật, xác định lại cơ chế lập quy hoạch đội ngũ, định vị chức danh nghề nghiệp, xây dựng cơ sở pháp lý minh bạch và đồng bộ. Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh việc tăng tính khả thi trong các chính sách đãi ngộ và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức và nhà giáo, bảo đảm tính công bằng và tạo động lực cống hiến.
Kết thúc hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến và sẽ được tổng hợp, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm căn cứ quan trọng để hoàn thiện nội dung hai dự thảo luật trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới.