Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Hiệu quả với mô hình kinh tế Vườn – Ao – Chuồng

QTI 28/09/2024 06:03

Huyện Phước Sơn không chỉ nổi bật với nét đẹp văn hóa truyền thống qua các lễ hội, sự kiện đặc sắc mà còn là nơi đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế. Điển hình là mô hình Vườn – Ao – Chuồng của vợ chồng chị Hồ Thị Hường và anh Hồ Văn Kiêng, người Giẻ Triêng ở xã Phước Mỹ.

5.png
Trước đây, khu vực này toàn là đồi núi và cây dại nhưng qua bàn tay cải tạo của gia đình chị Hồ Thị Hường thì mọi thứ đã khác.

Gia đình chị Hồ Thị Hường và anh Hồ Văn Kiêng, người Giẻ Triêng ở xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, đã biến khu đất đồi núi hoang sơ thành mô hình kinh tế tổng hợp Vườn – Ao – Chuồng. Trước đây, khu vực này chỉ toàn cây dại, nhưng nhờ sự cải tạo kiên trì của gia đình, mọi thứ đã thay đổi.

1.png
Gia đình chị Hường tận tâm chăm sóc đàn heo, đảm bảo chúng luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.

Năm 2005, khi mới cưới, hai vợ chồng bắt đầu từ con số không, với công việc chính của anh Kiêng là phát rẫy thuê. Thu nhập bấp bênh, nhưng với sự cần cù và chịu khó, họ dần tích góp để đầu tư con giống và mở rộng sản xuất. Đến năm 2022, họ gặp khó khăn khi đàn heo bị dịch lở mồm long móng, nhưng quyết tâm chuyển hướng chăn nuôi đã giúp họ vượt qua.

2.png
Ao nuôi cá trê của gia đình

Nhờ khoản vay 150 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, gia đình đã đầu tư thêm heo giống, bò giống và cá trê, đồng thời cải tạo ao, ruộng và xây dựng hàng rào. Hiện tại, họ sở hữu 4 heo nái, 3 heo đực, và mỗi năm xuất bán 3 lứa heo, mang lại thu nhập ổn định. Đàn bò hơn 20 con, 3 con trâu và ao cá cũng đang phát triển tốt, minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của gia đình.
“Để làm được cái mô hình này, chúng ta cần có ý chí quyết tâm, tâm huyết trong cuộc việc và sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của nhà nước. Cứ cố gắng làm từ cái nhỏ đến cái lớn quan trọng nhất là phải có ý chí và tâm huyết ” - chị Hường chia sẻ.

Có được mô hình kinh tế phát triển ổn định như hôm nay, anh Hồ Văn Kiêng – chồng chị Hường cho biết, tất cả đều xuất phát tự sự nỗ lực vượt khó. Dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào chăng nữa cũng phải có ý chí thoát nghèo. Ngoài mô hình Vườn Ao Chuồng, gia đình còn sở hữu gần 100.000 cây keo, qua đó cho thu nhập kinh tế mỗi năm gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình có điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng.

“Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ mở rộng thêm mô hình kinh tế hiện tại và nhân thêm các giống vật nuôi. Gia đình tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và kiên trì với những công việc đã chọn, nhằm đạt được những kết quả tốt nhất và phát triển bền vững.” - anh Kiêng chia sẻ.

3.png
Đàn bò hơn 20 con của gia đình chị Hường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp- Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn, cho biết, mô hình của gia đình chị Hường là một ví dụ tiêu biểu trong xã.

" Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng và chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em hội viên trong toàn xã, nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng."

Mô hình kinh tế Vườn – Ao – Chuồng là mô hình kinh tế tuy không mới nhưng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hy vọng qua mô hình này, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ quan tâm, học hỏi, qua đó từng bước phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiệu quả với mô hình kinh tế Vườn – Ao – Chuồng
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO