Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT

Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Tuấn Phong 01/12/2024 15:07

(QNP) - Hỏi: Năm 2022, tôi có 11 tháng thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp. Tháng 1 - 7/2024 tôi thất nghiệp. Tôi muốn hỏi, trường hợp của tôi có được đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

z6106870156242_108635597c1f2d4845f864f82f48f826.jpg

Trả lời:

Tại Điều 49 Luật Việc làm quy định, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ:

+ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn;

+ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Chết.

Tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm quy định, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hỏi: Tôi là lao động nữ mang thai 4 tuần, do sức khỏe yếu nên ngày 12/7/2024 nhập viện, ngày 17/7/2024 ra viện. Chẩn đoán của bác sĩ trong giấy ra viện là thai 4 tuần sẩy thai tự nhiên, phương pháp điều trị nội khoa. Phần ghi chú bác sĩ cho người lao động nghỉ thêm 7 ngày, bắt đầu từ ngày 18/7/2024. Tôi muốn hỏi, chế độ thai sản cho lao động nữ tính từ ngày nào đến ngày nào? Ngoài thời gian được nghỉ hưởng chế độ thai sản thì người lao động có được hưởng chế độ khác không?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý:

1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, trong đó có quy định chế độ dưỡng sức đối với lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33 nêu trên, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi, thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định, do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định (trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định); tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên; tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Do bà chưa cung cấp chứng từ thanh toán cụ thể, đối chiếu với các quy định nêu trên, người lao động được giải quyết hưởng chế độ thai sản (sẩy thai) theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền tối đa 10 ngày kể từ khi sẩy thai; nếu sức khỏe chưa phục hồi được người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét, quyết định cho nghỉ dưỡng sức, số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định nhưng không quá 5 ngày.

(0) bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO