(QNP) - Sáng ngày 26/6, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện các Chương trình MTQG và Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM; Phong trào thi đua “Vì người nghèo- Không để ai bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí thực hiện 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là hơn 9,2 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bố trí hơn 2,9 nghìn tỷ đồng.
Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn đã bố trí là hơn 2,5 nghìn tỷ đồng.
Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới với tổng nguồn vốn phân bổ hơn 3,7 nghìn tỷ đồng.
Luỹ kế số kinh phí đã giải ngân của 03 Chương trình tính đến tháng 6 năm 2025 là hơn 6,7 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73% so với tổng kế hoạch vốn giao giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân số tiền hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68% so với tổng kế hoạch vốn giao giai đoạn 2021-2025.
Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đã giải ngân số tiền hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68% so với tổng kế hoạch vốn giao giai đoạn 2021-2025.
Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới đã giải ngân số tiền hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80% so với tổng kế hoạch vốn giao giai đoạn 2021-2025.
Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, có 06 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra, 01 nhóm chỉ tiêu cơ bản đạt, còn 02 nhóm mục tiêu chưa đạt.
Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 9,7%, dự kiến cả giai đoạn đạt 9% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). Mục tiêu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 24,13 triệu đồng, dự kiến cả giai đoạn đạt 30 triệu đồng tăng 2,1 lần so năm 2020. Nhóm mục tiêu về công tác giáo dục có 5/5 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhóm mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào DTTS và MN đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 51,4%, dự kiến cả giai đoạn đạt 52% (mục tiêu >50%).
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, số hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Số hộ nghèo cuối năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 2025 giảm còn 20.272 hộ, giảm 12.855 hộ so với đầu năm 2021 (33.127 hộ), bình quân mỗi năm giảm 4.285 hộ, đạt chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo hằng năm. 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản với hơn 160 công trình được đầu tư từ nguồn vốn của chương trình...góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách cũng như lâu dài trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Triển khai hiệu quả 364 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. 100% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Kết quả thực hiện tiêu chí xã NTM: Tính đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh (186 xã) theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 17,22 tiêu chí/xã. Có 133/186 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn NTM là 72% (mục tiêu 77%). Tính đến nay, bình quân chung số tiêu chí các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là 17,27 tiêu chí/xã. Có 47 xã được công nhận xã NTM nâng cao, đạt tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là 35% (mục tiêu 40%), 19 xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 14,2% (mục tiêu 10%, vượt mục tiêu).
Đến nay, có 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỷ lệ đạt 29,41% (Điện Bàn, Tam Kỳ, Phú Ninh, Duy Xuyên, Tiên Phước)/mục tiêu 8 cấp huyện (Hội An, Duy Xuyên đã hoàn thành hồ sơ nhưng không đủ thời gian thẩm tra, xét trình TW công nhận; Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo dừng xét công nhận huyện NTM, NTM nâng cao kể từ ngày 01/4/2025 do sắp xếp đơn vị hành chính).
Kết quả xây dựng “Thôn NTM kiểu mẫu” Đến nay, toàn tỉnh có 333/948 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư/thôn NTM kiểu mẫu/thôn NTM, tỷ lệ đạt 35,13% (mục tiêu 60%).
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhìn nhận việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn đầu tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay các chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và phát huy. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Qua gần 05 năm triển khai thực hiện các Chương trình, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn và miền núi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn đã được quan tâm tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn và khu vực miền núi được thay đổi một cách căn bản cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch. Hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện, nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành trong giai đoạn 2021-2025 đã góp phần rất lớn trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu trong các Chương trình MTQG hằng năm đều cơ bản đảm bảo đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Thông qua các Phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cuộc vận động “Toàn dân xây dựng NTM, đô thị văn minh”…đã khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của người dân trong phát triển địa phương. Hàng triệu hộ dân tham gia hiến đất, đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới,… Các tổ chức đoàn thể đóng vai trò tích cực trong việc vận động, giám sát, truyền thông và phản biện xã hội, từ đó tăng tính minh bạch và hiệu quả của các Chương trình.
Cũng theo đồng chí Lê Văn Dũng, trước yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Trung ương sẽ tiến hành rà soát, tái cấu trúc các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phù hợp hơn với mô hình tổ chức bộ máy mới. Tuy nhiên, quan điểm xuyên suốt là không thay đổi mục tiêu chiến lược: xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh; xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát; cơ bản không còn hộ nghèo; bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh; phòng, chống có hiệu quả tệ nạn xã hội và tội phạm nguy hiểm ở khu vực nông thôn; nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.
“Hướng đến một nông thôn hiện đại xanh-sạch-đẹp, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng đô thị hóa, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, miền núi của thành phố Đà Nẵng mới phải ổn định, bền vững. Để đạt được điều đó cần nâng cao vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tác nghiệp trực tiếp. Đặc biệt, những cán bộ thay đổi vị trí công tác nhưng phải tiếp tục nâng cao vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.
Dịp này, Ban Chỉ đạo đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 197 tập thể, cá nhân, hộ gia đình đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các Chương trình MTQG và các Phong trào thi đua.