(QNP) - Sáng 18/3 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì và chỉ đạo Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối đến điểm cầu các tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dự hội nghị.
Tại phiên họp, đại diện Bộ KH&CN đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, trên cơ sở kiện toàn các ban chỉ đạo trước đây của Trung ương về CCHC, CĐS và Đề án 06.
Ban Chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách, các giải pháp quy mô quốc gia phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính. Ban Chỉ đạo có 3 Tiểu Ban giúp việc gồm: Tiểu Ban Triển khai Đề án 06; Tiểu Ban Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tiểu Ban Cải cách hành chính do đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng Tiểu Ban.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 — Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương cùng sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như một số nghị định chậm ban hành, nhiều nhiệm vụ triển khai còn chậm tiến độ, chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, nhân lực trong các lĩnh vực trên chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng lẫn đạo đức nghề nghiệp; cơ chế hợp tác trong huy động nguồn lực cũng chưa được xây dựng.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần tập trung việc cải cách hành chính gắn liền với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Xem đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Làm có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát, không dàn trải. Chuyển từ trạng thái bị động giải quyết thủ tục sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Thực hiện khen thưởng, xử phạt rõ ràng, kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo ba nhiệm vụ quan trọng, gồm: Đẩy mạnh số hóa quốc gia. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính không giới hạn. Phát triển công dân số toàn diện.
Đồng thời, ba nhiệm vụ trọng tâm vừa trước mắt vừa lâu dài được xác định là hoàn thiện thể chế thông thoáng. Phát triển hạ tầng thông suốt, mở rộng phủ sóng 5G, hệ thống cáp quang, vệ tinh, đặc biệt là cơ sở dữ liệu. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực ở mọi cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục.
Báo cáo tại phiên họp cho thấy, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong các bảng xếp hạng quốc tế, như: Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, đứng thứ 71/193. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133. Chỉ số an toàn, an ninh mạng tăng 8 bậc, đứng thứ 17/194. Đáng chú ý, từ tháng 10/2024, Việt Nam chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Tốc độ Internet năm 2024 tăng 7 bậc, xếp thứ 37 toàn cầu.