Chiều 11/10, tại Quảng Nam, Tổ công tác số 1 của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu đã có buổi làm việc với các địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công năm 2024.
Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có sự tham dự của Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cùng đại diện các Sở, ngành của tỉnh.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết: Tổng kế hoạch vốn NSNN năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 55.718,3 tỷ đồng, các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.656 tỷ đồng.
Uớc thanh toán đến hết 30/9/2024 của các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 25.746,9 tỷ đồng, đạt 46,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền trung (52,99%).
Trong đó, chi tiết tình hình thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN của 05 địa phương thuộc Tổ công tác số 1 như sau: Tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân đạt 58,47%; thành phố Đà Nẵng giải ngân đạt 48,27%; tỉnh Quảng Nam giải ngân đạt 41,41%; tỉnh Quảng Ngãi giải ngân đạt 33,40%; tỉnh Bình Định giải ngân đạt 69,37%.
Như vậy, trong số 05 địa phương nêu trên, có 03 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định có tỷ lệ giải cao hơn mức trung bình của cả nước và 02 địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Tại cuộc họp, các địa phương đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Trong đó, đa số các địa phương đều gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB; năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu khi trúng thầu còn hạn chế, dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch; vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, đấu thầu dự án; tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động nên kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất tại các địa phương còn chậm triển khai hoặc chưa thể triển khai; tính đặc thù của các tỉnh duyên hải miền trung: Các tháng cuối năm ở miền trung thường là mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở đất cao, ảnh hưởng đến công tác thi công trên thực địa của nhiều dự án…
Báo cáo tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc. UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Các Tổ công tác đã thực hiện kiểm tra thực tế 17 đơn vị, địa phương để giải quyết các vướng mắc cụ thể nhằm đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tham mưu, xem xét và triển khai việc điều chuyển vốn đối với những dự án không hiệu quả, chậm tiến độ. Đến nay, tỉnh đã tiến hành điều chuyển 448 tỷ đồng từ công trình không có khối lượng sang công trình có khối lượng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng đã giải trình cụ thể về nguyên nhân số vốn chưa phân bổ và tỷ lệ giải ngân thấp. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn do công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, do việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế; người dân thường kiến nghị chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung; nguồn nhân lực phục vụ cho công tác GPMB còn thiếu, kinh phí cho hoạt động thấp, tính chất công việc khó khăn, phức tạp; một số địa bàn trọng điểm không đủ cán bộ địa chính.
Tình trạng thiếu đất đắp nền và cát xây dựng, nên các đơn vị thi công tiếp cận với giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán, trong khi đó phần lớn các công trình theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, dẫn đến một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ đợi cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường.
Bên cạnh đó, khi triển khai đấu thầu qua mạng, một số nhà thầu không đủ năng lực, dẫn đến việc triển khai chậm hơn so với kế hoạch. Đặc thù tỉnh Quảng Nam có đến 09/18 huyện miền núi, trong khi đó giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc triển khai thi công bị gián đoạn, đặc biệt là các dự án giao thông.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cũng đặt quyết tâm với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, từ nay đến cuối năm, tỉnh Quảng Nam sẽ giải ngân đạt 95%.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đồng thời giao các Bộ, ban ngành tiếp nhận những kiến nghị thuộc lĩnh vực mình phụ trách để sớm có hướng giải quyết phù hợp. Trong đó lưu ý đến các vấn đề liên quan đến giá đất, giá VLXD biến động...
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng chia sẻ với những khó khăn trong công tác giải ngân của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khi có sự biến động về công tác tổ chức cán bộ.
Giải ngân đầu tư công hiện nay của Tổ công tác số 1 nhìn chung còn thấp hơn so với cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ giải ngân đầu tư công năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, theo dõi sát tình hình của địa phương để có kế hoạch giải ngân đạt tiến độ đề ra; xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tập trung đôn đốc giải ngân đối, nhất là với các công trình trọng điểm; khắc phục vấn đề thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng, trước mắt tập trung ưu tiên nguồn VLXD cho các công trình lớn, trọng điểm; tỉnh hỗ trợ tăng cường cán bộ có năng lực cho các huyện không chỉ để thực hiện nhiệm vụ giải ngân mà còn phụ trách ở các lĩnh vực KT-XH khác, nhằm nâng cao đời sống các vùng khó khăn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trong đó đề nghị các địa phương nghiên cứu mô hình thành lập các Tổ công tác như Quảng Nam hiện nay...
Phó Thủ tướng mong muốn các địa phương quyết liệt hơn nữa, đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công.