Thu nhập cao nhờ trồng bưởi hữu cơ
(QNP) - Nhận thấy tiềm năng và điều kiện đất đai tại địa phương, anh Vi Văn Thủy, dân tộc Nùng ở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn đã mạnh dạn đầu tư cây giống để triển khai mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, mở ra hướng phát triển về trồng cây ăn quả tại địa phương, góp phần cải thiện thu nhập, thay đổi cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế.
Khoảng 4 năm trước, anh Vi Văn Thủy bắt đầu tiếp cận với các mô hình trồng bưởi hữu cơ cho hiệu quả từ các tỉnh phía Bắc. Tại huyện Phước Sơn, nhận thấy tiềm năng khí hậu, đất đai rất phù hợp để phát triển cây ăn quả, anh Thủy đã bắt tay vào xây dựng mô hình trồng bưởi theo hướng an toàn vào năm 2021. Ban đầu, anh tiến hành trồng gần 100 gốc bưởi với diện tích hơn 2000 mét vuông trên đất trồng keo kém hiệu quả. Phương pháp chăm sóc theo hướng hữu cơ cũng được anh Thủy áp dụng. Theo đó, phân bón cho cây được dùng phân hữu cơ ủ, đặc biệt là không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi trĩu quả sắp vào vụ thu hoạch, anh Thủy cho biết, trồng bưởi cũng dễ chứ không khó như một số loại cây ăn quả khác. Công tác chăm bón cũng đơn giản, chủ yếu là bón phân, tưới nước và tỉa cành để cây sinh trưởng tốt. Theo kinh nghiệm thì muốn quả bưởi ngọt nước thì phải chú ý tỉa cây tránh để bị bóng râm che khuất quá nhiều gây thiếu ánh sáng.
“Ban đầu mình cũng trồng nhiều loại cây như nhãn lồng, chôm chôm, sầu riêng nhưng thấy bưởi là hiệu quả nhất, ra quả liên tục, không bị mất mùa, đầu ra sản phẩm ổn định”.
Qua mùa vụ đầu tiên, anh Vi Văn Thủy thu hoạch gối đầu, với giá bán từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, anh thu gần 30 triệu đồng từ việc bán bưởi. Mùa vụ đầu tiên, anh Thủy rút ra kinh nghiệm, muốn thu hoạch được bưởi ngon, trước hết phải chọn mua giống cây chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Hàng năm, sau khi thu hoạch quả phải tiếp tục chăm bón cây, cải tạo đất, tưới nước giữ ẩm và cắt, tỉa cành. Thường xuyên kiểm tra cây, quả để sớm phát hiện sâu bệnh và xử lý kịp thời, tránh lây lan ra các cây khác.
“Mình vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm chăm bón của những người thành công khác ở ngoài Bắc để áp dụng. Mong muốn là chính quyền quan tâm hỗ trợ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm để nhiều người biết đến bưởi Phước Sơn. Tới đây tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn bưởi và cung cấp giống chuẩn cho các hộ có nhu cầu trồng cây này”.
Mô hình bưởi của anh Vi Văn Thủy, dân tộc Nùng mang lại hiệu quả kinh tế nên cần được nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người học hỏi. Trên thực tế, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi diễn khá cao so với cây trồng khác. Hơn nữa, giống cây này rất thích nghi với điều kiện đất đai ở nhiều địa phương tại Quảng Nam, trong đó có huyện Phước Sơn. Mặt khác nhu cầu của thị trường cho giống cây ăn quả này còn khá lớn.
Song để tránh việc trồng dàn trải, không đem lại hiệu quả như các loại cây trồng khác thì rất cần sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng từ khâu quy hoạch cũng như phát triển thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung, cho nguồn thu nhập ổn định, tạo sự vươn lên trong phát triển kinh tế, góp phần trong công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Phước Sơn nói chung./.