(QNP) - Chiều ngày 06/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT cùng các Sở, Ban, ngành liên quan để nghe báo cáo nội dung trình kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh khóa X về Đề án nâng cao, chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025-2030.
Báo cáo tại cuộc họp, Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, đến giai đoạn hiện nay, cơ sở trường học khối THPT đã xuống cấp, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học trong giai đoạn mới, chưa tương xứng với sự phát triển của KT-XH và chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng “đất học”. Tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia và đạt kiểm định chất lượng còn thấp, 10/54 trường, tỷ lệ 18,5%; trong khi đó, nếu tính chung các cấp học đã có 445/726 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 61,3%.
Theo đó, việc triển khai Đề án nâng cao, chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh là vô cùng cấp thiết. Qua đó nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông, tăng dần tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2 phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia về CSVC cấp THPT đạt 60% trở lên.
Theo Đề án, dự kiến tổng kinh phí triển khai chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025-2030 là hơn 1.328 tỷ đồng.
Trong đó triển khai thành lập 01 trường mới Trường THPT Điện Thắng Tây 607 (vùng Đông thị xã Điện Bàn). Chuyển đổi vị trí và xây mới Trường Nguyễn Duy Hiệu thị xã Điện Bàn. Mở rộng diện tích, sửa chữa, xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng và công trình phụ trợ 53 trường...
Tại cuộc họp, đại diện các Sở, ngành liên quan cũng đã tham gia góp ý hoàn thiện Đề án, trong đó tập trung vào các nội dung về kinh phí thực hiện, quy mô xây dựng, tính phù hợp với quy hoạch các địa phương; việc chuẩn hóa trường học phù hợp với xây dựng tiêu chí nông thôn mới, trường chuẩn quốc gia...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Đề án. Ông Trần Anh Tuấn cũng thống nhất với các góp ý của các Sở, ngành tại cuộc họp, đồng thời yêu cầu Sở GĐ&ĐT khoanh vùng phạm vi vốn đầu tư công giai đoạn thực hiện 2026-2030, tách kế hoạch năm 2025 riêng; những nội dung sử dụng ngân sách thường xuyên không cho vào Đề án. Phối hợp với các địa phương đưa vào danh mục đầu tư công thống nhất với danh mục Đề án. Phối hợp với Sở KH&ĐT rà soát lại danh mục, phù hợp với nhu cầu thực tế và kinh phí của địa phương; phân kỳ đầu tư đảm bảo tính hợp lý; đảm bảo phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tiêu chí trường chuẩn; tiếp thu các ý kiến các Sở, ngành sớm hoàn thiện Đề án trình HĐND xem xét thông qua.