Hội nhập quốc tế

Quảng Nam tham gia chương trình giao thương hợp tác đầu tư – thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

QTI 10/09/2024 15:19

(QNP) - Theo đề nghị của Bộ Công Thương về mời tham gia Đoàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại tại Hàn Quốc, từ ngày 08 đến ngày 13/9/2024 tại thủ đô Seoul và thành phố Gyeonggi (Hàn Quốc), tỉnh Quảng Nam cử đoàn cán bộ tham dự do ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương làm trưởng đoàn.

Theo đó, đoàn tham dự chuỗi sự kiện hội thảo, khảo sát, nghiên cứu, kết nối doanh nghiệp, tìm hiểu thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả và thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc đối với sản phẩm OCOP Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng; đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hoá Quảng Nam khi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Anh han quoc 1
Ông Nguyễn Thanh Quang phát biểu tại Hội nghị Giao thương Hợp tác Đầu tư – Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tại Seoul.

Tính đến năm 2023 tình hình đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 193 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 6,13 tỷ USD, các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, dịch vụ… Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 58 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 908 triệu USD; tiếp đến là các nước như Singapore, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản,… Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại khu Kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian đến, để việc hợp tác, xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại Việt Nam – Hàn Quốc thuận lợi và phát triển hơn khi có sự quan tâm giữa Chính phủ và sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại giữa hai nước. Ông Nguyễn Thanh Quang đề nghị Đại sứ quán hai nước, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ hơn nữa về hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông thương của các doanh nghiệp hai nước.

Về phía tỉnh Quảng Nam, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp như: Triển khai thực hiện Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực.

Khuyến khích, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo phương châm hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế (ngoại ngữ, trình độ, năng lực, kỹ năng làm việc, tính kỷ luật…), một cách chuyên nghiệp, có đủ trình độ.

Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường trong và ngoài nước.

Cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan, đặc biệt là áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, giúp cho các doanh nghiệp đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu ra thế giới.

Ngoài ra, Quảng Nam tập trung tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ về chính sách thuế, phí; phát triển đồng bộ hạ tầng như điện, viễn thông,… đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.

Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp, giao thông thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp phục vụ sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá, xuất khẩu sản phẩm của tỉnh Quảng Nam tại thị trường các nước cũng như tại Hàn Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư của Hàn Quốc và Việt Nam có thể hợp tác, đầu tư với xu hướng tự do hoá thương mại ngày càng sâu rộng trong những năm tới.

anh Han Quoc 2
Doanh nghiệp Quảng Nam kết nối với doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc nhấn mạnh cho biết, Quảng Nam là một trong những địa phương của Việt Nam được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy. Quảng Nam là một trong số ít địa phương của cả nước có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ, cao tốc, có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, có 2 khu kinh tế (Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang), 14 Khu công nghiệp và 115 Cụm công nghiệp. Với khát vọng “Đổi mới, Hội nhập và Phát triển” tập thể Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang không ngừng cải cách, hành động quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam tham gia chương trình giao thương hợp tác đầu tư – thương mại Việt Nam - Hàn Quốc
POWERED BY ONEPORTAL - A PRODUCT OF NEKO