Chiều 12/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì họp Phiên thứ hai của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị được tổ chức trực tuyến 4 cấp, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ trực tuyến tới hơn 8.600 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Tại điểm cầu Quảng Nam, các đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh; Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh tham dự.
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay, cả nước có 6 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát; 57/63 địa phương đã quyết định thành lập BCĐ cấp tỉnh, trong đó có 27 địa phương đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động; 47 địa phương đã thành lập BCĐ cấp huyện; 36 địa phương đã thành lập BCĐ cấp xã.
Đến nay, có 31 địa phương đã tổ chức chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với kinh phí huy động được trên 2.316 tỷ đồng; 20 địa phương xác định thời gian hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/9/2025 và 37 địa phương xác định hoàn thành đến hết ngày 31/12/2025.
Theo kết quả cập nhật của 42 địa phương trên phần mềm báo cáo, tính đến ngày 12/1/2025 đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn, trong đó có 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.892 căn nhà. Cụ thể, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 5.196 căn; hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia là 50.909 căn; đặc biệt hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 28.783 căn.
Về kết quả huy động nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, thông qua chương trình phát động, đến nay có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ 12 đơn vị với tổng kinh phí 1.370 tỷ đồng. Tính đến ngày 2/1/2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72,4 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tại Quảng Nam, thời gian qua, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, xem đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 6.187/10.945 căn nhà, đạt 56,53% kế hoạch. Trong đó, xây mới 4.055 căn và sửa chữa 2.132 căn với tổng kinh phí gần 113,5 tỷ đồng. Năm 2025, Quảng Nam còn khoảng 4.758 căn nhà cần phải hoàn thiện, với kinh phí hơn 128,7 tỷ đồng...
Tại phiên họp, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học, thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân làm chưa tốt. Cùng với đó, làm rõ những khó khăn, vướng mắc như xác định đối tượng hỗ trợ, đất đai, nguồn lực, sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm hoàn thành Chương trình trong năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; năm tăng tốc, bứt phá để về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2021 – 2025; đồng thời là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Do đó, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng như: Hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; không hy sinh tiến bộ, công bằng, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”...
Từ nay đến cuối năm còn khoảng 240.000 căn nhà phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp chỉ còn lại trên dưới 350 ngày, vì vậy, phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công Chương trình trong năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Để thực hiện mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần quyết tâm cao. Trong đó, huy động tất cả các nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; bám sát tình hình thực tế, đi sâu đi sát, kiểm tra tình hình thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắt; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; cấp ủy chính quyền địa phương phải phát huy tính tự lực tự cường; tăng cường công tác thông tin, truyền thông để tạo động lực, lan tỏa trong cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau...