(QNP) - Đó là một trong những mục tiêu trọng tâm được đề ra tại Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch được triển khai nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án nhằm phát huy tối đa các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng, góp phần mang lại hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời, thúc đẩy phát triển bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng, góp phần bảo tồn thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu thông qua đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam đề ra một số mục tiêu phấn đấu đạt được như: Tổ chức quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có và phát triển lâm nghiệp bền vững phù hợp với Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững, tạo sức cạnh tranh cao cho ngành lâm nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng vùng, miền (vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người tham gia hoạt động nghề rừng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 61%. Phấn đấu khoanh nuôi phục hồi rừng khoảng 10.800 ha; tăng diện tích rừng trồng khoảng 3.000 ha (mỗi năm khoảng 500 ha); rà soát diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng ngoài quy hoạch chưa thống kê để tham gia tính độ che phủ rừng và trồng cây phân tán bình quân 10 triệu cây/năm.
Phát triển mở rộng diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 3 tăng khoảng 4.569,25 ha; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng ngập mặn ven biển (khoảng 200 ha) và xây dựng đề án tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trồng rừng sản xuất nguyên liệu gỗ tập trung khoảng 150.000 ha, trong đó: phát triển trồng rừng gỗ lớn chiếm 30% (khoảng 45.000 ha) diện tích rừng sản xuất để đáp ứng cung cấp nguồn nhiên liệu gỗ hợp pháp cho thị trường đến năm 2030, đạt trên 20% (khoảng 30.000 ha) diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Giá trị tổng sản phẩm ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 15,21%; trong đó: giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,7 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020 (bình quân từ 170 m3 /ha/chu kỳ 10 năm); phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh với diện tích đạt trên 8.400 ha, tổng sản lượng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn Sâm củ từ 05 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Phấn đấu 100% diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO (khoảng 15 - 30% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO).
Phấn đấu thu hút trên 30.000 hộ gia đình tham gia bảo vệ, phát triển rừng, kinh tế rừng và phát triển dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, trong đó có trên 70% tổng số lao động là người dân tộc thiểu số được tạo thêm việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chiếm 50%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020…