(QNP) - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hội đoàn thể và chính quyền địa phương mà đồng bào thiểu số ở huyện Phước Sơn đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại như trước đây mà thay vào đó là ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững. Và mô hình nuôi heo đen theo nhóm hộ tại xã Phước Chánh là một điển hình trong việc thay đổi tư duy phát triển kinh tế của bà con vùng cao.
Thay vì chăn nuôi heo thả rông theo tập quán truyền thống thì nay, chị Phạm Thi Minh Nguyệt ở thôn 1 xã Phước Chánh huyện Phước Sơn bắt đầu nuôi heo tập trung theo hướng chuồng trại. Với cách nuôi này, chị Nguyệt sẽ tiện lợi hơn trong việc cho heo ăn, vệ sinh chuồng trại và hiệu quả mang lại cũng sẽ khả quan hơn trước nhiều.
“Nuôi trong chuồng heo ít bị bệnh hoặc bị thất lạc như thả rộng. Hằng ngày mình đi cắt môn về nấu, chặt chuối rừng trộn cho ăn, nuôi như thế này heo nhanh lớn và cho hiệu quả cao. Có chuồng trại nuôi nhốt nên rất tiện lợi, heo ở sạch sẽ, hồi xưa thả rong heo chậm lớn lắm” – chị Nguyệt cho biết.
Mô hình này với tên gọi mô hình nuôi heo đen theo nhóm hộ. Nghĩa là sẽ tập trung heo lại nuôi trong chuồng trại kiên cố, định kỳ mỗi tuần, các hộ sẽ thay phiên nhau để chăm heo, từ khâu tìm thức ăn, vệ sinh chuồng trại… Lợi ích mà mô hình này mang lại chính là thay đổi phương thức chăn nuôi thả rông truyền thống của đồng bào nơi đây, qua đó giúp bà con nhận thức rõ hơn về lợi ích của chăn nuôi tập trung, đồng thời dễ theo dõi chăm sóc đàn heo, nhất là khâu phòng chống dịch bệnh.
Chị Hồ Thị Hậu - Trưởng nhóm mô hình nuôi heo đen theo nhóm hộ tại xã Phước Chánh cho biết, qua mô hình này giúp chị em tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo tình đoàn kết giữa, thông qua mô hình cũng tập huấn cho chị em cách chăn nuôi khác hơn hồi xưa, tạo thu nhập trong tương lai.
“Trước khi triển khai mô hình, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi heo có chuồng trại, cách làm thức ăn cho heo từ nguồn tự nhiên như rau, cỏ, chuối rừng, sắn bắp… Từ mô hình tập trung này, sau khi số lượng đàn phát triển, mỗi chị em đều có thể tự làm chuồng trại để chăn nuôi riêng theo kinh nghiệm thực tiễn. Như vậy sẽ hiệu quả cao hơn và nhanh chóng thoát nghèo”.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Chánh, Hồ Thị Đảo chia sẻ, trước đây heo giống được cấp theo từng hộ để chăn nuôi nhưng không bền vững vì bà con chưa nắm bắt kỹ thuật. Từ đó mới nảy ra ý tưởng bước đầu lập nhập nhóm chăn nuôi để thu hút những chị em nhiệt tình thực hiện tốt. Hiện tại heo sinh sản, có phát triển nhanh. Mỗi tuần chỉ cần 2 người chăm sóc đàn heo cứ thế xoay vòng nên chị em có thời gian lo sản xuất nương rẫy, chăm sóc gia đình.
Dù mới triển khai trong thời gian ngắn, tuy nhiên mô hình nuôi heo đen theo nhóm hộ đã cho hiệu quả lan tỏa cao. Điều ấn tượng của mô hình chính là hình thành tư duy chăn nuôi mới cho hội viên phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số, để từng bước chăn nuôi hiệu quả, vươn lên phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn Nguyễn Thị Thu Hiệp cho biết, ban đầu mô hình có 40 con heo chừ đã tăng lên 60 con. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng với cách làm như hiện nay thì số lượng sẽ tăng lên nhanh chóng. “Chúng tôi định hướng chị em giữ nguồn quay vòng giống này. Thời gian tới khi đã chăn nuôi thành heo thương phẩm thì sẽ hướng dẫn chị em phát triển sản phẩm như heo thịt, heo sấy khô mang đặc trưng riêng để nâng cao chuỗi giá trị kinh tế, giúp chị em thoát nghèo bền vững”.
Song song với việc triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, tập trung hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất hộ gia đình, nhóm cộng đồng dân cư, cải thiện nâng cao chất lượng nhà ở…việc “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm” bằng mô hình cụ thể đã góp phần giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.