(QNP) - Tại huyện miền núi Phước Sơn, từ chủ trương “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã xuất hiện những mô hình, cách làm hay trong việc giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất, dần tiếp cận với phương thức canh tác hiện đại và cho hiệu quả cao trong công tác thoát nghèo bền vững.
Công việc hằng ngày của anh Hồ Văn Beo người đồng bào Giẻ Triêng ở thôn 2 xã Phước Năng huyện Phước Sơn là chăm sóc vườn ươm cây giống dược liệu. Năm 2021, anh Beo tham gia HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng, đây là bước ngoặt trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của anh Beo. Anh cho biết, sau khi được tham gia cùng HTX, sẽ được tạo điều kiện về công ăn việc làm, từ mô hình HTX sẽ học hỏi kinh nghiệm, quy trình sản xuất của cây trồng, kỹ thuật trồng, rồi tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con về thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Với việc ươm các loại cây giống như keo, quế, ba kích, dỗi, đẳng sâm…đồng bào nơi đây được hướng dẫn kỹ thuật về quy trình chăm sóc, bón phân, trị sâu bệnh để nâng cao năng suất. Riêng đối với anh Hồ Văn Beo, qua mô hình vườn ươm cây giống, anh vừa có thêm thu nhập, vừa nâng cao trình độ sản xuất so với trước đây.
“Khi tham gia hợp tác mình mình có việc làm ổn định, từ mô hình của hợp tác xã mình học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tiễn. Bản thân tôi sau khi được nâng cao nhận thức thì cũng mạnh dạn tuyên truyền cho bà con nhân dân phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm để việc sản xuất được hiệu quả hơn”.
Không chỉ hiệu quả với mô hình vườn ươm cây giống, thời gian gần đây, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng đã mở rộng mô hình trồng lúa hữu cơ, qua đó đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. Theo đó, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con nông dân là người đồng bào được HTX tập huấn kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch hại…tất cả đều phải thực hiện theo hướng hữu cơ, không có sự can thiệp bởi hóa chất bảo vệ thực vật.
Đến nay, quy mô của mô hình trồng lúa hữu cơ đạt trên 120 ha, tập trung tại 2 xã Phước Năng và Phước Mỹ. Hiệu quả từ mô hình mang lại không chỉ nâng cao giá trị cây lúa trên cùng đơn vị diện tích như tăng năng suất và giá bán gấp 3-4 lần, giúp bà con nâng cao thu nhập mà còn góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, xóa bỏ dần những phương thức canh tác truyền thống kém hiệu quả.
Anh Trương Hà Phương - HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng, huyện Phước Sơn cho biết, ban đầu bà con vẫn còn bỡ ngỡ nhưng dần dần đến ngày hôm nay bà con rất hợp tác. Thông qua sự hỗ trợ của nhà nước, bà con thấy được lợi ích của mình nên tham gia mô hình rất tích cực.
"Chúng tôi luôn cố gắng vận động bà con tham gia cùng HTX để sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng để bán lấy tiền. Chúng tôi đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP lúa hữu cơ, gạo lứt hữu cơ để giúp bà con nâng cao giá trị và thoát nghèo bền vững”
Chủ tịch UBND xã Phước Năng Hồ Văn Khu cho biết, từ việc vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên hiệu quả sản xuất bây giờ đạt cao hơn trước rất nhiều, nó khác hẳn so với cách làm truyền thống như trước đây.
“Mô hình trồng lúa nước hữu cơ tuy mới triển khai nhưng năng suất khá cao, là động lực để bà con nhân dân tiếp tục phấn đấu. Tới đây xã sẽ tiếp tục vận động bà con triển khai các vụ mùa mới và gắn bó với HTX để được hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo hướng khoa học”
Từ mô hình trên, có thể khẳng định, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương cần thiết để làm mới tư duy cho bà con và loại bỏ dần những tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả ra khỏi đời sống sản xuất. Vấn đề này đang được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Phước Sơn vào cuộc quyết liệt.
“Chúng tôi đã phối hợp với địa phương để tuyên truyền nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại trong đồng bào. Chúng tôi vận động bằng cách thành lập các tổ, nhóm giúp nhau phát triển kinh tế, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thực tiễn. Có như vậy mới giúp bà con thoát nghèo bền vững được” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Sơn Vũ Đình Cuối cho biết.
Huyện Phước Sơn đang thay đổi từng ngày thông qua những mô hình hiệu quả vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể khẳng định, từ những mô hình tại xã Phước Năng nói riêng sẽ lan tỏa hơn đến các xã khác trong thời gian đến, góp phần thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân, hướng đến mục đích chung đó là cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.